- “Dù chưa biết danh tính của nhóm này, nhưng tôi nghĩ họ phải chủ động lên tiếng. Người tổ chức phải có trách nhiệm họp toàn đội lại, nghiêm túc kiểm điểm, có thông báo để xin lỗi công khai đến công chúng”, Nguyễn Phan Quang, Phó bí thư thường trực Đoàn Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định.
 
 Trước những ý kiến lên án clip “thi bú sữa bình” phản cảm, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thanh niên tình nguyện, VietNamNet xin đăng tải ý kiến của hai bí thư đoàn – những người có kinh nghiệm trong việc tổ chức trò chơi tập thể cho đoàn viên, thanh niên để độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
 
 Nguyễn Phan Quang (Phó bí thư thường trực Đoàn Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội): Cần xin lỗi công khai
 
Anh Nguyễn Phan Quang

 Trò chơi trong clip đúng là phản cảm, không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Có lẽ những người tổ chức trò chơi này chưa ý thức được đầy đủ những mặt tiêu cực của nó. Làm bất cứ việc gì cũng cần có sự sáng tạo, việc tổ chức trò chơi cũng vậy. Nhưng ở đây là sự sáng tạo thái quá, chưa mang tính định hướng. Các hoạt động đoàn hội phải hướng đến lối sống lành mạnh cho thanh niên, vui nhưng phải có ích.
 
 Vai trò của người đứng đầu ở đây là rất lớn. Dù chưa biết danh tính của nhóm này, nhưng tôi nghĩ họ phải chủ động lên tiếng. Người tổ chức phải có trách nhiệm họp toàn đội lại, nghiêm túc kiểm điểm, có thông báo để xin lỗi công khai đến công chúng. Tránh mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm với sinh viên tình nguyện.
 
 Khi tổ chức trò chơi cho đoàn viên của mình tôi luôn cố gắng sao cho kết hợp được cả hai thứ vui và bổ ích. Đoàn tôi có hẳn một quyển sổ tay hướng dẫn tổ chức trò chơi tập thể được đúc kết qua các thế hệ và học hỏi các đoàn bạn. Hiện nay có rất nhiều trò chơi lành mạnh mà vẫn phù hợp với tâm lý sinh viên. Khó có thể định nghĩa chính xác thế nào là phản cảm, thế nào không. Nó phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người. Thế nên, khi lựa chọn trò chơi cần cân nhắc thật kỹ đến các tác động xã hội của nó để tránh những ý kiến trái chiều như trường hợp này.
 
 Nguyễn Thúy Ngân (Bí thư chi đoàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Chơi vui nhưng phải ý nghĩa
 
 Ngay khi xem clip em đã phải kêu lên là: “ghê quá!”. Chắc chắn em sẽ không tham gia vào những trò chơi tương tự thế này.
 
 Em nghĩ nếu những bạn trong clip không mặc “áo xanh” thì có lẽ sự việc không “nổi tiếng” như thế này. Bởi rõ ràng trò chơi này làm ảnh hưởng không tốt đến màu xanh tình nguyện vốn góp mặt trong các công tác xã hội có ý nghĩa.
 
 Một khi đã khoác trên mình chiếc áo Đoàn thì em nghĩ lúc đó bạn không đơn thuần là một thanh niên, một sinh viên mà là một Đoàn viên. Một Đoàn viên nên đem lại tiếng cười đầy ý nghĩa chứ không nên “trình diễn” bằng những hành động mất thẩm mĩ như trò chơi “bú bình sữa” ấy.
 
 Đối với cá nhân em, khi tổ chức các trò chơi cho tập thể luôn hướng đến mục đích là khuấy động không khí, tạo không gian thân thiện hòa đồng từ đó giúp các thành viên tự tin, nhiệt tình trong các hoạt động chung. Em rất tâm đắc với những trò chơi “kỹ năng sống”. Tức là thông qua trò chơi, chúng ta rút được kinh nghiệm trong cách sống, cách làm việc.
 
 Ví dụ trò chơi “tạc tượng” (một người làm nguyên liệu và một người là người thợ, người thợ tạo hình cho “nguyên liệu” và ngược lại). Thường khi được chơi trò này các bạn có xu hướng tạo cho “đối tác” của mình một hình thù thật kì dị và tức cười. Và sau đó, khi đổi vị trí cho nhau thì người bị làm tượng cũ sẽ “trả thù”. Ý nghĩa của trò chơi này là: “Không nên mang lại cho người khác điều mà mình không muốn”. Em nghĩ đây là một trò chơi vui (đã được kiểm chứng qua nhiều nhóm chơi) mà vẫn mang tính giáo dục.
 
 Khi tổ chức trò chơi, hai tiêu chí VUI và Ý NGHĨA luôn được em ưu tiên. Tất nhiên, với những trò chơi dễ liên tưởng tới những hình ảnh nhạy cảm, không phù hợp với không gian sinh hoạt đoàn sẽ được “xóa sổ”
 
 Việc trò chơi bị ghi hình, phát tán và bị phê phán có lẽ là cú vấp để mọi người “tỉnh” khỏi lấn sâu vào những trò chơi vô duyên tương tự. Điều mà em lo lắng nhất là theo sau clip này sẽ có rất nhiều thông tin, clip về các trò chơi của Đoàn viên có nội dung được cho là phản cảm sẽ xuất hiện dày đặc, tạo cái nhìn không tốt của dư luận đối với Đoàn viên chúng em. Em chỉ muốn việc clip “Thanh niên thi bú sữa bình” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng tới các tổ chức Đoàn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó, em nghĩ đây cũng là cơ hội để các cơ quan Đoàn cấp trên chú ý đến việc phổ biến, tập huấn các trò chơi tập thể nhằm tạo môi trường sinh hoạt Đoàn thân thiện, lành mạnh và có ý nghĩa.

Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Những cái lệch chuẩn dễ gây tò mò
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình
Hành động trong clip là không thể chấp nhận được, không chỉ là tếu, hài hước mà vô cùng phản cảm. Nó thể hiện việc định hướng giá trị đích thực cho đời sống cộng đồng của chúng ta đang có vấn đề. Rõ ràng, đang có sự đứt gãy về định hướng giá trị cho người trẻ. Một bộ phận trong giới trẻ luôn thích chống lại những giá trị chuẩn của xã hội, thích mới lạ, đột phá, khác đời khác người. Các bạn cho rằng hành động đó là tự chứng tỏ mình. Càng những cái lệch chuẩn lại càng dễ gây tò mò, thu hút đối với giới trẻ.
 
 Việc tung những clip như thế này lên mạng tôi cho là không có gì hay ho cả. Hiện nay có một xu hướng là bạ cái gì cũng đưa lên mạng, từ clip sex đến clip đánh nhau. Clip trò chơi phản cảm này là một trường hợp mới xuất hiện. Nó không nhằm mục đích làm vui vẻ, thi vị hóa hay hài hước đời sống mà làm cho bức tranh đời sống xã hội ngày càng đen tối đi. Chính điều này làm xói mòn các giá trị chuẩn mực của xã hội.
 
Theo tôi, các thông tin điện tử, thông tin trên mạng cần được kiểm duyệt một cách chặt chẽ hơn nữa. Cần có một hàng rào, hành lang để ngăn chặn việc phát tán các clip “bẩn” như thế này. Còn để quy kết trách nhiệm này cho Đoàn, Hội cũng chưa thật thỏa đáng. Bởi lẽ hành động này xuất phát từ thiên kiến cá nhân, lợi ích của một nhóm nhỏ chứ không phải của cả tổ chức.

Trách nhiệm của tổ chức Đoàn là giáo dục lý tưởng, chân – thiện – mỹ cho thanh thiếu niên. Cần tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích và hấp dẫn hơn nữa để thu hút giới trẻ, đặc biệt là các nhóm không chính thức.

 

  Hoàn La