- Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 69 ngày 27/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp tục nhấn mạnh nguyện vọng hòa bình của Việt Nam.
"Hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững", ông Phạm Bình Minh nói. "Lịch sử đã chứng minh những con đường dẫn đến chiến tranh và xung đột đều xuất phát từ học thuyết đã lỗi thời về chính trị cường quyền, từ tham vọng thống trị và áp đặt, và từ việc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ".
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ lần thứ 69. Ảnh: UN |
Chính vì vậy, VN cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định phục vụ phát triển bền vững.
"Hơn lúc nào hết, các quốc gia thành viên, không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ", Phó Thủ tướng nói.
Từ đó, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh lại lập trường mà Việt Nam kiên trì: nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết bất đồng, tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Trả lời báo chí sau khi phát biểu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vấn đề Biển Đông, đặc biệt là khía cạnh an ninh, an toàn hàng hải, cũng được nêu tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Mỹ hôm 26/9 ở New York.
"Mỹ đã đưa ra đề xuất 'Đông kết', có thể hiểu là một phần của việc thực hiện DOC, cụ thể là điều 5: không làm phức tạp tình hình, không mở rộng đóng chiếm các đảo không người... Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung của ASEAN tại Myanmar tháng 8 vừa rồi", ông Phạm Bình Minh cho biết.
|
Cũng tại hội nghị này, Mỹ đã công khai đề nghị ASEAN tham gia cùng Mỹ chống lại lực lượng khủng bố ISIS. Hiện các nước ASEAN chưa có câu trả lời nhưng theo Phó Thủ tướng, điều đó cho thấy VN có thể củng cố vị thế quốc tế của mình thông qua việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
"ASEAN mà đoàn kết và nâng cao được vai trò trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới thì vị thế của VN cũng sẽ được nâng lên với tư cách một thành viên của khối", ông Phạm Bình Minh nói.
"Điểm đặc biệt của ASEAN là không chỉ kết nối các nước thành viên với nhau mà còn có các đối tác là các nước lớn trong khu vực. Chỉ ASEAN mới có cơ chế hàng năm lãnh đạo các nước lớn đều một lần đến họp cùng, hay tại LHQ, Tổng thư ký và Chủ tịch năm nào cũng có một cuộc họp với ASEAN. Cũng chỉ bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mới có dịp ngồi họp bàn cùng bộ trưởng quốc phòng các nước lớn".
VN tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Bảo an
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng kêu gọi các nước ủng hộ VN ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
"Lần trước, khi VN là thành viên của hai hội đồng này đã có những đóng góp được ghi nhận, thể hiện được uy tín và trách nhiệm của VN. Còn hai, ba năm nữa mới bỏ phiếu, nhưng đến thời điểm này, VN nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước ASEAN và nhiều nước khác. Hiện VN cũng đang là ứng cử viên duy nhất vào Hội đồng Bảo an nên tương đối thuận lợi", ông Phạm Bình Minh nói.
Lần đầu tiên VN trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là nhiệm kỳ 2008-2009.
Chung Hoàng