Mới đây, Ericsson - nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các công nghệ và dịch vụ truyền thông - đã bổ nhiệm ông Denis Brunetti giữ vị trí Chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh của Ericsson tại các thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Denis Brunetti về trải nghiệm cá nhân khi làm việc ở Việt Nam, cũng như tương lai của công nghệ truyền thông ở Việt Nam.
- Thưa ông, trong giai đoạn năm 2008-2014, ông đã có thời gian làm việc ở Việt Nam, Lào, Campuchia.Trở lại Việt Nam lần này ông có thấy khác biệt gì so với những năm trước không, thưa ông?
Thực tế, tôi bắt đầu làm việc tại Việt Nam từ năm 1996, và tính đến nay tôi đã có 21 năm làm việc ở đây. Từ đó đến nay, tôi thấy rằng Việt Nam đang thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây.
Có thể nói rằng, Việt Nam đang có dân số trẻ, độ tuổi trung bình chỉ vào khoảng 30 tuổi. Nói chung mọi người thuộc tất cả các độ tuổi đều rất nhiệt huyết và tâm thế hướng tới tương lai.
Ở Việt Nam tôi nhận thấy có một điểm đặc biệt, đó là biết kết hợp giữa quá khứ và tương lai, giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. Nên trong phòng làm việc của tôi luôn có ảnh Bác Hồ, ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã từng làm việc ở 6 quốc gia khác nhau nhưng Việt Nam là nơi có sự kết hợp hài hòa nhất giữa lịch sử và hiện tại.
- Từng được Chính phủ Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp cho sự phát triển ngành ICT tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về những hoạt động mà ông cảm thấy đáng nhớ nhất?
Kỷ niệm chương đó là sự ghi nhận một quá trình đóng góp lâu dài của cá nhân tôi từ năm 1996 vào sự phát triển công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam. Ở giai đoạn những năm 90, giữa tập đoàn VNPT và Telstra của Úc có ký một hợp tác kinh doanh BCC. Đó là xây dựng một cổng quốc tế “international gateway” để nối Việt Nam với quốc tế. Ericsson chính là nhà cung cấp thiết bị và tôi là lãnh đạo của nhóm Ericsson làm việc với 2 nhà mạng là VNPT và Telstra.
Sau đó, quá trình chuyển đổi sang mạng di động 2G, rồi 3G, chúng tôi làm việc rất chặt chẽ với những nhà mạng Việt Nam.
Tôi cũng là người đầu tiên đề xuất với Chính phủ Việt Nam về vai trò quan trọng của an ninh bảo mật cho cả mạng 3G, 4G và 5G trong tương lai nữa. Hiện nay khi hệ thống CNTT phủ khắp thế giới thì người ta ngày càng ý thức được vấn đề an ninh bảo mật.
- Vừa rồi, Ericsson và Cục tần số vô tuyến điện đã tổ chức hội thảo trình diễn 5G tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đôi điều về công nghệ 5G trên thế giới và khả năng áp dụng tại Việt Nam như thế nào?
5G vẫn còn ở giai đoạn đầu và để triển khai thì mất vài ba năm nữa. Đó chính là lý do mà chúng tôi có những demo ban đầu giúp mọi người có những hình dung về 5G, ứng dụng của 5G cũng như tác động của nó đến phát triển kinh tế xã hội nói chung. Việc sớm lập kế hoạch để ứng dụng 5G có một vai trò rất quan trọng. Hiện nay Úc, châu Âu, châu Mỹ là những nơi đầu tiên triển khai 5G. Khung thời gian họ triển khai sẽ là khoảng năm 2019, và dự báo tới 2023 thì sẽ có khoảng hơn 1 tỷ người dùng 5G.
Ở Việt Nam, theo những dự báo hiện tại thì khung thời gian để triển khai 5G sẽ vào khoảng 2021. Như vậy các nhà mạng, cơ quan Chính phủ của Việt Nam cần lập kế hoạch sớm để triển khai 5G trên phạm vi toàn quốc và nắm bắt được những cơ hội mà 5G mang lại.
- Việt Nam nên tiến hành những bước như thế nào để có thể nắm bắt kịp thời xu hướng của 5G và triển khai 5G thành công, thưa ông?
Thứ nhất, phổ tần là tài nguyên rất quan trọng. Cho nên những công nghệ cũ mà sử dụng phổ tần không hiệu quả thì nên giải phóng công nghệ đó ra để lấy phổ tần cho 5G.
Thứ hai là chúng tôi khuyến khích các nhà mạng viễn thông hiện tại ở Việt Nam xây dựng mạng phủ sóng 4G rộng khắp toàn quốc. Vì 4G như là một nền móng, dựa trên nền móng đó sẽ bổ sung những thành tố nhất định để xây dựng 5G. Giải pháp của Ericsson rất quan trọng bởi vì nó cho phép tái sử dụng lại hầu hết các khoản đầu tư mà mạng 4G đã xây dựng, từ đó nâng cấp lên 5G. Điều này giúp không bị lãng phí đầu tư.
Bước thứ ba rất quan trọng là xây dựng năng lực, kỹ năng về công nghệ, thông tin truyền thông. Ericsson rất sẵn lòng hợp tác với các tổ chức, với các cơ quan chính phủ, các tổ chức giáo dục đào tạo với các tổ chức trong ngành thông tin truyền thông theo mô hình hợp tác công tư.
Điều nữa là cần xây dựng ra những cộng đồng, hay là mô hình giống như “thung lũng silicon” ở Việt Nam. Đấy là các cộng đồng hay các “hub” - trung tâm sáng tạo về CNTT truyền thông. Khi có một hub như vậy, thì các nhà cung cấp giải pháp như Ericsson và các công ty ICT có thể đến và hợp tác với nhau, đưa ra những giải pháp.
Trước đây Việt Nam đã rất thành công trong việc chuyển từ một nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, điều này dễ hơn là chuyển từ một nước thu nhập trung bình sang một nước thu nhập cao. Để làm được điều đó chỉ có con đường sáng tạo. Ericsson sẵn sàng hợp tác với cơ quan chính phủ, các tổ chức trong ngành để thúc đẩy sự sáng tạo tại Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Minh