Bài phát biểu của ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại Lễ Khánh thành Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ;
Kính thưa đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước;
Kính thưa đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư;
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các nhà sử học, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố;
Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu!
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Hải Phòng và dòng sông Bạch Đằng luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Từ xa xưa, sông Bạch Đằng với cửa biển Nam Triệu đã là tuyến đường thủy quan trọng nhất dẫn vào kinh đô nước ta. Trên dòng sông Bạch Đằng vào các năm 938, 981, 1288, dưới sự lãnh đạo của ba vị anh hùng dân tộc là Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, với chiến thuật trận địa cọc độc đáo, nhân dân ta đã làm nên những chiến thắng vĩ đại, đập tan cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Những dấu tích phong phú về 3 trận quyết chiến chiến lược đó còn lưu giữ trên khắp địa bàn thành phố Hải Phòng, đặc biệt là ở khu vực huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, do sự biến chuyển của thời gian, dấu tích lịch sử về những trận địa cọc rộng lớn xung quanh khu vực sông Bạch Đằng vẫn còn ẩn giấu trong lòng đất.
Đầu tháng 10/2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã phát hiện những dấu hiệu về một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ; tiếp đó, Nhân dân ở các xã lân cận cũng đã phát hiện được những dấu hiệu về một số bãi cọc mới. Rất khẩn trương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai các biện pháp để khoanh vùng, bảo vệ và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu khai quật.
Ngày 22/11/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định giao Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ngày 18/12/2019, Viện Khảo cổ học đã có báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; trong đó nhận định: Di tích bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa cọc liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần. Ngày 21/12/2019, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật. Tại Hội nghị, các nhà sử học, các nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của đất nước đều thống nhất đánh giá đây là một trong những phát hiện khảo cổ học quan trọng nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần làm sáng tỏ và chứng minh nhiều vấn đề về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Ngày 28/2/2020, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02 thông qua Đề án Khoanh vùng quản lý, lập quy hoạch để bảo tồn các khu vực liên quan đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng; Nghị quyết số 03 quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Ngày 3/5/2020, với sự chứng kiến của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thành phố đã tổ chức Lễ khởi công dự án. Sau gần 6 tháng tiến hành thi công khẩn trương, hôm nay, toàn bộ dự án xây dựng Tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ đã được hoàn thành theo đúng quy hoạch và thiết kế giai đoạn 1.
Như vậy, chỉ chưa đầy 1 năm kể từ ngày người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện những dấu hiệu về một bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, chúng ta đã hoàn thành xây dựng công trình với rất nhiều bước quy trình khoa học, từ khảo cổ học, tới quy hoạch, chủ trương đầu tư và xây dựng công trình, qua đó đã thể hiện sự trân trọng và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trong việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản lịch sử văn hóa của dân tộc ta.
Lễ Khánh thành Tuyến đường vào và Khu Bảo tồn Bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên hôm nay diễn ra đúng vào ngày khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; với sự tham dự động viên trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, càng làm cho Dự án có nhiều ý nghĩa.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Huyện ủy, UBND huyện Thủy Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành thuộc UBND thành phố, cùng tinh thần lao động tích cực, vượt qua mọi khó khăn của các nhà thầu, đơn vị tư vấn để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tôi cũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền xã Lưu Kỳ, xã Liên Khê, xin biểu dương và bày tỏ lòng cảm ơn đối với 285 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, tự giác bàn giao gần 14 ha đất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Tôi cũng xin cảm ơn các nhà khoa học, các nhà sử học, các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học, Hội khảo cổ học đã làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự án.
Khu vực bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang mãi trở thành Khu di tích lịch sử văn hóa truyền thống trường tồn cùng dân tộc và trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hun đúc ý chí, niềm tự hào dân tộc và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì vậy, sau Lễ khánh thành, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao, UBND huyện Thủy Nguyên cùng Sở Du lịch và các cơ quan liên quan triển khai công tác thông tin truyền thông để quảng bá khu di tích một cách rộng rãi; đồng thời xây dựng các quy định về quản lý Khu di tích, bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định cùa pháp luật, đặc biệt là gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh, sạch, đẹp phục vụ việc nghiên cứu, học tập, thăm quan của du khách và các tầng lớp Nhân dân.
Nhân dịp này, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng trân trọng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, phối hợp với thành phố Hải Phòng để tổ chức nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ các khu vực liên quan, làm rõ thêm về trận địa cọc rộng lớn trên sông Bạch Đằng của cha ông chúng ta.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Hải Phòng, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu đã về dự Lễ khánh thành ngày hôm nay.
Xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.