Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hội nhập
quốc tế và hoạt động đối ngoại là một lĩnh vực mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đặc biệt chú trọng ngay từ khi thành lập.
Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hội nhập
quốc tế và hoạt động đối ngoại là một lĩnh vực mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam
đặc biệt chú trọng ngay từ khi thành lập.
Trải qua hơn 30 năm trưởng thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
(GHPGVN) đã không chỉ khẳng định là chỗ dựa niềm tin vững chắc cho xã hội, đại
diện cho tăng, ni và tín đồ phật tử trong nước và ở nước ngoài mà còn khẳng định
được vị thế trong cộng đồng phật giáo thế giới. Phật giáo Việt Nam đã tham gia
hợp tác quốc tế nhằm xây dựng một thế giới không bạo lực, hận thù, vì hòa bình,
hòa hợp và khoan dung.
Những hội nghị quốc tế
Năm 2008, chính phủ Việt Nam với vai trò và trách nhiệm tại Liên hợp quốc đã
đồng ý tổ chức Đại lễ Vesak và cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra tổ
chức. Đại lễ đã diễn ra từ ngày 14 - 16/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia
Mỹ Đình, Hà Nội.
|
Đại lễ Vesak. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đại lễ đã thành công rực rỡ với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu, trong đó hơn
1500 đại biểu quốc tế đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, và là lễ hội tôn giáo
lớn có uy tín với thế giới thể hiện năng lực hội nhập, đối ngoại tôn giáo tích
cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 2010, cùng nhân dân cả nước, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -
Hà Nội, từ ngày 27/7 đến ngày 02/8/2010 tại Khu di tích Hoàng Thành và một số
địa điểm khác đã thành công viên mãn, lưu lại dấu ấn tốt đẹp đối với cộng đồng
xã hội trong nước và bạn bè quốc tế.
|
Đêm hội hoa đăng trong Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội. Ảnh: Theo VTC |
Từ ngày 28/12/2009 đến ngày 03/01/2010 tại nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo
Thành hội Phật giáo Tp.HCM đã diễn ra Hội nghị Ni giới Phật giáo Thế giới lần
thứ 11. Có trên 2.500 đại biểu trong nước và 380 đại biểu quốc tế đến từ 37 Quốc
gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đây là lần đầu tiên Ni giới Phật giáo Việt Nam tổ
chức Hội nghị có tầm vóc quốc tế thành công tốt đẹp.
Đánh giá về công tác hợp tác quốc tế của Giáo hội, Hòa thượng Thích Gia Quang,
Phó Tổng Thư ký HĐTS Trung Ương GHPGVN khẳng định: “Với chính sách đổi mới, mở
rộng giao lưu, đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà
nước, GHPGVN ngày càng được sự đồng tình, hợp tác của nhiều tổ chức, hội đoàn,
cơ sở Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới; thu hút được sự ủng hộ của đa số
Tăng, Ni, Phật tử người Việt Nam ở nước ngoài để cùng chung lo cho đạo pháp và
dân tộc ở thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập”.
Hợp tác trao đổi và đào tạo
Trong nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế, GHPGVN đã chủ động tăng cường mở rộng mối
quan hệ, liên kết thân hữu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm tu tập giữa Giáo hội,
tăng, ni, phật tử Việt Nam với Giáo hội, các truyền thống hệ phái Phật giáo và
tăng, ni, Phật tử các nước trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ và các
quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; Đón tiếp hàng trăm đoàn là các Giáo
hội, các hệ phái và tổ chức Phật giáo quốc tế các nước đến thăm Việt Nam cũng
như cử hàng trăm đoàn đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử GHPGVN và các ban ngành của
Giáo hội đi thăm hữu nghị, tham dự hội thảo quốc tế và lễ hội văn hóa phật giáo
tại các nước, vùng lãnh thổ.
Những hoạt động này góp phần trao đổi những kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh
vực văn hoá, giáo dục và từ thiện xã hội, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị đối
với các nước Phật giáo trong vùng và trên thế giới.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo
tỉnh Ninh Bình cho biết, GHPGVN đã đặc biệt chú trọng việc đào tạo nguồn nhân
lực bằng việc đưa nhiều tăng, ni ra nước ngoài học tập nghiên cứu và đào tạo
tại: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ, Srilanka, Thái Lan,…
hàng trăm tăng, ni đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về nước đảm
đương các công tác Phật sự.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã chú trọng việc chăm lo tới đời sống tâm
linh, văn hóa của bà con cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao
động ở các nước. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã tổ chức 2 chuyến đi
hoằng pháp châu Âu vào tháng 9/2008 và tháng 9/2012 gồm các Quốc gia: Cộng hòa
Pháp, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary, Đức và Nga, với sự tham gia của các Hòa
thượng, Thượng tọa, Đại đức và một số Phật tử cùng tham dự chuyến đi hoằng pháp.
|
Hoằng pháp tại cộng hòa Séc. Ảnh: Theo chùa Hoằng Pháp |
Kể từ năm 2008 đến nay, hằng năm vào mùa Phật đản và Vu lan Báo hiếu, Trung ương
Giáo hội đều tổ chức đoàn hoằng pháp tại các nước này. Ban Thường trực Hội đồng
Trị sự GHPGVN còn tổ chức 2 chuyến hành hương về đất Phật tại Ấn Độ...
Thượng toạ Thích Thọ Lạc đánh giá: “Nhờ có những hoạt động quốc tế của giáo hội
được mở rộng cả về phạm vi lẫn chiều sâu, mà nhiều người, nhiều tầng lớp và đối
tượng biết tới Phật giáo Việt Nam nhiều hơn. Nhiều bạn bè quốc tế, phật tử ở
nhiều nước trên thế giới hiểu biết nhiều hơn về Phật giáo Việt Nam, để từ đó có
tình cảm, sự thân thiện và gần gũi hơn, đánh giá đúng mức hơn về Phật giáo Việt
Nam”.
Có thể nói, công tác giao lưu quốc tế của GHPGVN trong những năm qua đã góp phần
tạo uy tín và sự hiểu biết nhiều hơn nữa về Phật giáo Việt Nam trên thế giới.
Qua những thành tựu hội nhập quốc tế và hoạt động đối ngoại, GHPGVN đã khẳng
định cho bạn bè thế giới biết về đời sống tự do tôn giáo trên đất nước Việt Nam
độc lập, chủ quyền và thịnh vượng.
• An Thư