Trong một nghiên cứu quốc tế, các nhà nghiên cứu đã đánh giá các thành phần hóa học của đồ chơi và ước tính mức độ phơi nhiễm của con người với các chất này, cuối cùng tìm thấy hơn 100 hóa chất có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ. 

"Trong số 419 hóa chất được tìm thấy trong vật liệu nhựa cứng, mềm và xốp được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, các nhà khoa học đã xác định được 126 chất có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em thông qua việc tác động gây ung thư hoặc không gây ung thư, bao gồm 31 chất làm dẻo, 18 chất chống cháy và 8 chất tạo mùi thơm". Nhà nghiên cứu Peter Fantke ở Trường đại học Kỹ thuật Đan Mạch cho biết. Theo các nhà nghiên cứu, luật pháp ở nhiều quốc gia chỉ quy định việc sử dụng một số hóa chất độc hại tiềm ẩn trong đồ chơi bằng nhựa, nhưng lại không có cách tiếp cận nhất quán trên phạm vi quốc tế và các biện pháp bảo vệ hiện tại không nghiêm cấm trên phạm vi rộng lớn các chất độc hại tiềm tàng mà đồ chơi được làm từ đó. 

{keywords}
Nghiên cứu phát hiện có hơn 100 hóa chất độc hại có trong đồ chơi nhựa 

Các quy định hiện hành thường tập trung vào các hóa chất cụ thể, ví dụ như phthalate, chất chống cháy brom hóa và kim loại, trong khi đồ chơi bằng nhựa của trẻ em lại có nhiều loại hóa chất được tìm thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Bên cạnh đó, một số chất phụ gia độc hại và bị cấm vẫn được tìm thấy trong đồ chơi bằng nhựa cũng trên các thị trường được quản lý, ví dụ như trong trường hợp tái chế nhựa bị ô nhiễm mà người sản xuất không biết hoặc không có quy định tại nước sản xuất.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một danh sách các thành phần hóa học của vật liệu đồ chơi - điều mà các nhà sản xuất sản phẩm không muốn tiết lộ, nhưng vẫn được các nhà khoa học phân tích trong các cuộc điều tra trước đó. Nghiên cứu đã tập hợp dữ liệu hóa học từ 25 nghiên cứu đã được đánh giá, thẩm định. Danh sách các hóa chất của vật liệu đồ chơi được xếp hạng về mức độ ưu tiên rủi ro từ cao đến thấp. Các nhà nghiên cứu đã kết hợp hàm lượng hóa chất được báo cáo trong vật liệu đồ chơi với đặc điểm vật liệu và cách sử dụng đồ chơi, chẳng hạn như thời gian một đứa trẻ thường chơi với một món đồ chơi, nó có cho vào miệng hay không và số lượng đồ chơi được tìm thấy trong một hộ gia đình cho mỗi đứa trẻ... Những thông tin này được sử dụng để tính toán mức độ phơi nhiễm bằng cách sử dụng các mô hình cân bằng khối lượng và so sánh liều lượng phơi nhiễm với liều lượng có khả năng gây ra rủi ro nhưng có thể chấp nhận được đối với trẻ em.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về ngưỡng "nồng độ tối đa cho phép" của các hóa chất này trong các nguyên liệu sản xuất đồ chơi trẻ em để giảm thiểu những bất cập trong hệ thống kiểm soát toàn cầu hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất mức độ tối đa của các hóa chất này và họ hy vọng các kết luận của nghiên cứu sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quyết định các mức áp dụng cho từng hóa chất sử dụng cho từng mục đích cụ thể, cũng như giúp cho các công ty sản xuất đồ chơi đánh giá được lượng hóa chất sử dụng cho các sản phẩm của họ so với các tiêu chuẩn phải áp dụng.

Tuy nhiên, các tác giả của công trình nghiên cứu khuyến cáo: ngay từ bây giờ, những người ra quyết định gần gũi nhất là cha, mẹ có thể hành động dựa trên kết quả nghiên cứu được công bố. Điều đơn giản nhất cần làm là hạn chế việc vây quanh trẻ bằng đồ chơi được sản xuất bằng nhựa. Theo họ, trẻ em ở các nước phương Tây tích lũy trung bình 18,3 kg vật liệu đồ chơi bằng nhựa mỗi năm. Một cách hiệu quả và thiết thực để giảm tiếp xúc với các hóa chất ưu tiên có trong đồ chơi nhựa là giảm lượng đồ chơi mới được đưa vào các hộ gia đình của chúng ta hàng năm.

(Theo Viet Q)