Cũng qua hoạt động rà soát và tiếp nhận thông tin, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã xác định website tuoitre.com giả mạo báo Tuổi trẻ online hoạt động cung cấp thông tin tổng hợp trên mạng Internet khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khuyến cáo cộng đồng mạng không tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ website tuoitre.com. “VAFC sẽ chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cho hay.
Đáng chú ý, giả mạo website của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa người dùng là tình trạng tương đối phổ biến những năm gần đây và có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Gần đây, vào ngày 29/7, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin cảnh báo một số trang web, tiêu biểu là 2 trang có tên miền honapply.vn và miniboon.vn lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo website của Bộ Y tế nhằm lừa đảo trợ cấp tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và lừa tiền cứu trợ.
Hay trước đó, trong tháng 6, khi nhiều giải bóng đá lớn đang diễn ra, đã có nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước như Cổng thông tin điện tử của các tỉnh Bắc Ninh, Lai Châu bị đối tượng xấu lập website giả mạo, chèn thông tin quảng cáo về đặt cược, cá độ bóng đá trực tuyến để lừa người dùng.
Các trường hợp trên đã được cơ quan chức năng xử lý, gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm thời gian sử dụng Internet của người dùng Việt Nam tăng cao, đi kèm đó các vụ lừa đảo trực tuyến cũng có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Mặc dù đều sử dụng kỹ thuật cũ, song các cuộc tấn công lừa đảo diễn ra thời gian gần đây thường lợi dụng nội dung, thông tin thể hiện theo cách mới, đặc biệt là thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 khiến cho người dân hoang mang, mất cảnh giác và dễ mắc bẫy lừa đảo.
Theo thống kê của NCSC, chỉ trong 1 tuần từ ngày 2/8 đến 8/8, đã có 52 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông báo về Trung tâm qua hệ thống tại địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp như lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, lừa đảo liên quan đến Covid-19...
Trung tâm NCSC đề nghị người dùng Internet Việt Nam khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm tại địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn.
Người dùng cũng được khuyến nghị cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang gia tăng. Một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng có thể kể đến như: như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…
“Người dùng cần cẩn trọng khi truy cập vào các trang web trên mạng, bởi lẽ chỉ cần truy cập vào một website độc hại là người dùng đã có thể bị lây nhiễm mã độc vào máy tính của mình”, các chuyên gia lưu ý.
Vân Anh
Sẽ xử nghiêm người tung tin giả 'Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cho biết, thông tin “Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết” là giả mạo. Tin giả này đang được nhiều người chia sẻ, lan truyền trên mang xã hội gây nhiều hoang mang.