Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kì đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà nó còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước.

Bên cạnh hiệu ích xã hội lớn lao như vun đắp một đời sống tinh thần lành mạnh cho cá nhân và cộng đồng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và hướng con người, xã hội loài người theo các giá trị chân – thiện, mỹ thì văn hóa trong xã hội hiện đại này còn bộc lộ những thế mạnh khác mà trong xã hội truyền thống ít được đề cập đến. Sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, sự mở rộng của thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa với những hiệu ích kinh tế không nhỏ đã mang lại những kì vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa nguồn lực nội sinh chính là văn hóa và con người Việt Nam.

{keywords}
Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là điều kiện để thực hiện lý tưởng cao đẹp của dân tộc ta là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, con người được ấm no, hạnh phúc.

Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa IX Đảng ta đã kết luận: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên là điều kiện quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững đất nước”.

Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Như vậy cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng - an ninh,... nguồn lực văn hóa cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, chi phối, ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia. “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Và lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng, thuật ngữ sức mạnh mềm văn hóa xuất hiện. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định cần phải “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Bùi Hoa

Ảnh: Thảo Hiền