- “Trên đất liền, khi chúng ta bảo vệ, quản lý một con chim thì chỉ cần cho mồi là chim đến, nhưng quản lý một con rùa dưới biển không phải chỉ quản lý con rùa ấy mà quản lý nơi cư trú con rùa, quản lý con cá không phải quản lý nơi cư trú của con cá mà quản lý hành vi của con cá, phương tiện của người đánh cá đấy mới là quan trọng”,
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Nguyên Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ trong lễ mít tinh “Vì môi trường xanh Quốc Gia 2015” tại Cát Bà, Hải Phòng.
Với lợi thế bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển. Các bãi biển đẹp trải dài từ bắc đến nam, với khoảng 125 bãi tắm, trong đó có nhiều bãi được xếp hạng trên thế giới. Bờ biển Việt Nam có gần 50 vịnh lớn nhỏ, trong đó có nhiều vịnh được đánh giá cao trên thế giới như các vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô... Biển đảo Việt Nam còn có tài nguyên sinh vật đa dạng, phong phú như các Vườn quốc gia Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Ðảo, Phú Quốc... Ngoài ra, ở dải ven biển có hơn 1.000 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng; 195 lễ hội dân gian truyền thống và 150 làng nghề tại các địa phương. Ðây là tiền đề để thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến du lịch tại các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam hằng năm.
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên cùng người dân huyện đảo Cát Bà tham gia làm sạch môi trường biển |
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Nguyên Phó Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho hay: Những năm qua, ngành du lịch các tỉnh ven biển đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm hơn 60% tổng thu từ du lịch của cả nước. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập du lịch trong 15 năm trở lại đây luôn giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng du khách quốc tế đến khu vực ven biển Việt Nam liên tục tăng, hiện chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách đến Việt Nam; khách du lịch nội địa, chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc... Bên cạnh những đóng góp mà ngành du lịch biển mang lại, thì ngành du lịch biển đang trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển tại các khu vực du lịch trong cả nước thời gian qua.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch biển nêu trên, thứ nhất là do công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển...
Ngoài ra, ý thức của du khách chưa cao, còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm, trong khi đó phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp... ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này...
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, Đây là những mặt nguy hại, nếu không hướng ngành du lịch đi theo sự phát triển bền vững thì sẽ nhanh chóng thất bại về lầu dài.
“Ở Việt Nam tư duy du lịch vẫn đồng nghĩa với tắm biển và người ta du lịch là sử dụng không gian biển. Vì thế sao ta không tận dụng lợi thế đó để làm thuyền đáy kính ngắm biển, phát triển du lịch lặn biển để ngắm cá chứ không bắt cá… Tôi cho rằng đây là cách mà chúng ta đáng phát huy để bảo tồn loài cá. Cũng như việc khi chúng ta bảo vệ, quản lý một con chim thì chỉ cần cho mồi là chim đến, nhưng quản lý một con rùa dưới biển không phải chỉ quản lý con rùa ấy mà quản lý nơi cư trú con rùa, quản lý con cá không phải quản lý nơi cư trú của con cá mà quản lý hành vi của con cá, phương tiện của người đánh cá đấy mới là quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.
Theo ông Bùi Quang Sản - Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Hải Phòng thì, “Hải Phòng có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Hải Phòng là một trong bốn trung tâm du lịch biển của Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển, đảo gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên ở khu vực đảo Cát Bà.
Tuy nhiên, vùng đảo Cát Bà hiện nay không còn xanh, trong như vốn có, mà đang bị nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Trước hết là do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự phát triển ồ ạt của các loại hình dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản... Mỗi ngày ước tính Cát Bà có tới cả nghìn du khách đến và đi; hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản, tàu chở khách cập bến, mang theo “rác” của du khách, xác tôm, cá, tu hài chết, dầu loang nổi váng cả mặt nước.
Mọi tầng lớp nhân dân trên huyện đảo Cát Bà đang chung tay làm sạch bờ biển |
Thêm vào đó, các nhà hàng, bè nổi đang hoạt động trên vịnh cũng “góp phần” đáng kể vào sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước. Lượng rác thải thu gom được các nhà bè tuân thủ đưa lên bờ đúng quy định, song điều đáng nói là lượng “rác” từ con người thải trực tiếp xuống biển tương đối lớn, gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Sự phát triển ồ ạt của hệ thống lồng bè trên vịnh cũng đang gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Lan Hạ là vịnh nguyên sơ đẹp nhất và hút du khách nhất, nhưng lại đang phải chịu sự quá tải về chất thải và rác thải từ những lồng bè nuôi hải sản. Nguy hại nhất là các chủ hộ do tiết kiệm kinh phí đầu tư đã không sử dụng vật liệu nâng nổi bè bằng hợp chất Composit mà dùng các phao xốp rẻ tiền, phân hủy nhanh, càng làm cho môi trường nước thêm ô nhiễm”.
Lễ mít tinh khởi động Chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia năm 2015” là dịp để chúng tôi tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trên huyện đảo Cát Bà nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của tổ quốc…”, ông Sản nói.
Hạnh Thúy