Phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng
Với chủ trương chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thì việc phổ cập kỹ năng số cho người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Để công tác phổ cập kỹ năng số đạt được kết quả mong muốn, thời gian qua, các địa phương đã triển khai chủ trương của Bộ TT&TT, thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 509 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 3.721 thành viên. Các tổ này hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; giúp người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu thực tế và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân.
Bà Trần Thị Thanh Tuyết, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) cho biết: Thời gian qua, các thành viên trong tổ đã tích cực phối hợp với nhiều tổ chức đoàn thể tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số theo nhu cầu thực tế.
Trong đó, chúng tôi tập trung phổ cập cho bà con 5 kỹ năng số cơ bản gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng các nền tảng số.
Đây là những kỹ năng số cần thiết, được ứng dụng nhiều trong cuộc sống hiện nay nên khi chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn, bà con phối hợp tốt.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) Lương Công Đức cho hay: Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc trang bị kỹ năng số cho mỗi người dân trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi kỹ năng số không chỉ là khả năng tìm kiếm, xử lý thông tin, sử dụng các công cụ trực tuyến phục vụ nhu cầu của bản thân mà còn giúp mọi người tham gia các hoạt động số một cách an toàn, hiệu quả, biết bảo vệ mình trước những mối nguy từ môi trường số.
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng nhiều đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kỹ năng, qua đó nâng cao năng lực, kiến thức cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần tăng hiệu quả phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Góp phần thu hẹp khoảng cách số
Khoảng cách số là sự chênh lệch giữa các nhóm người trong việc truy cập, sử dụng và hưởng lợi từ công nghệ. Khoảng cách này thường do chênh lệch về hạ tầng công nghệ, các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa thiếu kết nối internet và thiết bị công nghệ.
Bên cạnh đó, người dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ, ngại thay đổi và chưa nhận thấy những lợi ích của công nghệ số mang lại.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực từ chính quyền địa phương và sự nhiệt tình của các tổ công nghệ số cộng đồng, khoảng cách số giữa các khu vực đang dần được thu hẹp, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân ở khắp mọi miền.
Sau khoảng nửa giờ thực hiện đầy đủ các bước thao tác trên điện thoại, chị Hồ Thị Hồng Hiền ở xã miền núi An Lĩnh (huyện Tuy An) hoàn thành nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán khoản phí quy định trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Chị Hiền cho biết: Do tôi không nắm rõ các thao tác về việc nộp hồ sơ trực tuyến qua ứng dụng VNeID nên đến bộ phận một cửa của xã để được hướng dẫn.
Sau khi được cán bộ hướng dẫn, tôi đã hoàn thành việc kích hoạt tài khoản VNeID và nộp các loại giấy tờ thủ tục yêu cầu lên hệ thống.
Được cán bộ hướng dẫn mới thấy mọi quy trình khá đơn giản, lần sau tôi có thể tự làm tại nhà và đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ công ích, như vậy sẽ không phải đi lại nhiều lần, rất thuận tiện.
Còn theo chị Lù Minh Uyển, người phụ trách làng nghề dệt Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), công cuộc chuyển đổi số đã góp phần đưa sản phẩm làng nghề vươn xa.
Nếu như trước đây, sản phẩm dệt làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu của bản thân, gia đình hay nhiều nhất là bán tại các chợ, người mua cũng chỉ là bà con trong thôn, thì nay công nghệ số phát triển đã mở ra những cơ hội mới chưa từng có cho làng nghề và bà con.
Tất cả sản phẩm thổ cẩm thủ công của bà con được giới thiệu, quảng bá trên Facebook Thổ cẩm Xí Thoại, tiếp cận với đa dạng khách hàng và được du khách ưa chuộng.
Làng nghề cũng đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên, bà con bước vào giai đoạn sản xuất hàng hóa cung cấp ra thị trường.
Theo UBND huyện Sông Hinh, việc đẩy mạnh chuyển đổi số giúp người dân và chính quyền kết nối với nhau dễ dàng hơn qua các ứng dụng công nghệ; người dân có thể tiếp cận thông tin về chính sách nhanh chóng, chính xác; các nền tảng thương mại trực tuyến còn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, sản xuất cho bà con.
Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ của bà con đồng bào DTTS còn hạn chế… là những thách thức trong công cuộc chuyển đổi số của địa phương.
Thời gian tới, Sông Hinh tiếp tục phát huy tốt vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng trong công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Phổ cập kỹ năng số không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội số bền vững, toàn diện. Thông qua sự phối hợp giữa chính quyền, tổ công nghệ số cộng đồng và người dân, chúng ta có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách số và vươn lên trong cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới. Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Lương Công Đức |
Theo THỦY TIÊN (Báo Phú Yên)