Ngày 16/9, Cục Y tế Dự phòng đã có văn bản gửi các địa phương về phòng bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục trên cả nước. 

Từ tháng 8 đến nay, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM…

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp. Trong đó, trẻ em dễ mắc đau mắt đỏ nhất, do rất hay có thói quen dụi mắt (khi tiếp xúc với đồ vật không đảm bảo vệ sinh, sau đó đưa tay dụi mắt).

Bệnh chủ yếu do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt nhiều gỉ, có thể giảm thị lực…

dau mat do.png
Trẻ khám mắt tại BV Mắt Hà Nội. 

Các đường lây của bệnh đau mắt đỏ như tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh. Tiếp xúc gián tiếp như chạm vào những đồ vật của người bệnh như tay nằm cửa, bàn ghế. Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, gối, chậu rửa mặt, dùng chung nguồn nước nhiễm bệnh, tiếp xúc chung nguồn nước với người bị bệnh như ở hồ bơi.

Bác sĩ Cương cho biết những nơi đông người như bệnh viện, nơi công cộng, trường học là môi trường rất dễ khiến bệnh lây lan.

Tại các cơ sở giáo dục hiện nay, trẻ đi học tiếp xúc hay chơi chung với các em khác bị đau mắt đỏ khác, khả năng lây nhiễm sẽ rất cao. Vì vậy, bác sĩ Cương cho rằng gia đình, nhà trường phải thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ. Học sinh nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Bệnh đau mắt đỏ hầu hết khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng. Tuy nhiên, có thể gây ra  bội nhiễm, tổn thương giác mạc như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Việc phòng bệnh không đúng theo hướng dẫn có thể lây lan thành dịch. Trong trường hợp tự ý điều trị, hoặc điều trị không đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng có thể gây mù mắt như loét giác mạc, glôcôm….

Để chủ động phòng chống đau mắt đỏ, nhà trường nên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho học sinh về bệnh đau mắt đỏ như đường lây, biểu hiện. Khi học sinh bị đau mắt đỏ cần nghỉ học. Cha mẹ tuyệt đối không được tự điều trị theo cách truyền miệng, hoặc theo trên mạng như: xông các loại lá trầu không, lá dâu tằm; đắp hành củ; nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ…

Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề, đáng tiếc như mắt trẻ sẽ bị giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa…

Đối với học sinh bị đau mắt đỏ, giáo viên cần thông báo với phụ huynh và cho trẻ cách ly tại nhà đến khi khỏi bệnh. Phụ huynh hạn chế cho trẻ ra đường để tránh khói bụi vào mắt.

Các cơ sở giáo dục tuyên truyền hướng dẫn cho trẻ cách vệ sinh mắt như nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi.

Để tránh lây lan và bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi, tại lớp học cần vệ sinh nơi ở đảm bảo sạch sẽ như giặt sạch và phơi khô mọi vật dụng của bé như chăn ga gối bán trú, khăn mặt. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. 

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV