Phải xinh đẹp thông minh thành đạt, lại phải biết khiến chồng say
mê, biết đẻ con đủ trai đủ gái, nuôi con khỏe mạnh, học giỏi; dĩ nhiên phải tiêu
dùng thông thái, nội trợ đảm đang. Đó là “phác họa” của TS Khuất Thu Hồng, Phó
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội về chân dung của người phụ nữ Việt
Nam hiện đại.
Hiện nay, đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015)” của
Chính phủ đang được đẩy mạnh triển khai. Nhân dịp này, VietNamNet đã có cuộc
trao đổi với TS Khuất Thu Hồng về câu chuyện vai trò của người phụ nữ và đòi hỏi
của xã hội hiện đại đối với họ.
Phụ nữ Việt Nam: Phải là người “biết tuốt”!
- Bà có thể phân tích rõ hơn những đòi hỏi của xã hội Việt Nam hiện nay đối
với người phụ nữ?
TS Khuất Thu Hồng |
Trong xã hội hiện đại, yêu cầu của xã hội và gia đình đối với người phụ nữ ngày
càng nhiều và cao hơn.
Họ phải là một trong hai người tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình (bên
cạnh chồng). Ngoài ra, trách nhiệm chăm sóc các thành viên trong gia đình (chồng
con, bố mẹ già) chủ yếu dồn lên vai người phụ nữ.
Giờ đây nuôi con không chỉ là lo cho chúng ăn no mặc ấm và được đi học như trước
đây. Người phụ nữ của ngày hôm nay đứng trước áp lực phải có những đứa con khỏe
mạnh, xinh đẹp, thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi, biết nói tiếng Anh, có nhiều
kỹ năng sống, được giao lưu trong và ngoài nước, có cơ hội tham gia các hoạt
động ngoại khóa, vv …
Để có được những đứa con “thần đồng” như vậy các bà mẹ phải có kiến thức về dinh
dưỡng, phải biết cách đưa con vào trường tốt, phải kèm cặp con học hành, và phải
đủ sức khỏe để đưa đón con đi học hết lớp này đến lớp khác, chưa kể là còn phải
biết dùng Internet để quản lý con không vào mạng xấu, phải luôn canh chừng để
con không chat sex, không nghiệm game...
Còn khi có người ốm trong gia đình, người phụ nữ phải nâng giấc, lo tìm bác sĩ
và thuốc men.
Việc nội trợ ngày hôm nay cũng khác ngày xưa. Người phụ nữ phải lo làm sao đảm
bảo để chồng con không bị ngộ độc vì rau quả hay bị các bệnh nan y vì thịt, cá
mua ngoài chợ bị nhiễm độc.
Bên cạnh những trách nhiệm ở trên, người phụ nữ hiện đại còn phải đẹp, và phải
biết làm đẹp! Họ thường xuyên bị tấn công bởi hình ảnh các “chân dài” và bị
quyến rũ bới vô số các quảng cáo về sản phẩm làm đẹp trong khi luôn bị “đe dọa”
rằng nếu ăn mặc luộm thuộm, để mình già đi, mập ra… thì chồng sẽ chán, có thể sẽ
đi theo người khác.
Chưa được hỗ trợ nhiều
- Những đòi hỏi (nhiều và ngày càng cao) như vậy đã tác động đến người phụ nữ
như thế nào?
Tất cả những đòi hỏi của xã hội đối với người phụ nữ như tôi nói ở trên khiến họ
luôn trong trạng thái phải cố gắng hơn nữa, đôi khi giống như một sự đánh đố.
Tôi có cảm giác họ phải có 3 đầu 6 tay mới có thể đảm nhận hết những trọng trách
lớn lao đó.
- Theo bà, vì sao phụ nữ Việt Nam lại được đòi hỏi cao như vậy?
Vì phụ nữ của chúng ta luôn được nhắc nhở và giáo dục từ bé rằng người phụ nữ
phải phấn đấu để có đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Những chính sách và cách giáo
dục của chúng ta đã nuôi dưỡng và củng cố những khuôn mẫu đó, nghiễm nhiên đặt
lên vai họ nhiều trọng trách. Và người phụ nữ, vì thế, cũng mặc định rằng đó là
nghĩa vụ của mình.
Quá nhiều trọng trách được đặt lên vai người phụ nữ khiến bà Hồng cảm thấy họ phải có 3 đầu 6 tay mới đảm nhiệm hết được. Ảnh minh họa |
- Đòi hỏi nhiều và cao như vậy, nhưng theo đánh giá của bà, thì xã hội, cộng
đồng đã làm gì để trợ giúp họ, giúp họ hoàn thành trọng trách của mình?
Tôi nghĩ là xã hội, cộng đồng có làm, nhưng chưa đủ. Các dịch vụ xã hội cơ bản
như chăm sóc y tế và giáo dục thay vì hỗ trợ cho các gia đình thì dường như lại
tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ. Đó là hai mối lo canh cánh của bất kỳ người phụ
nữ Việt Nam nào.
Đó là chưa kể họ còn phải thi đua, cạnh tranh với nam giới, phải nghỉ hưu sớm,
thu nhập thấp do ảnh hưởng của việc mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con nhỏ, …
Tôi nghĩ chúng ta cần có chính sách để cải thiện các dịch vụ xã hội, nhất là y
tế và giáo dục, các chính sách về lao động và việc làm. Mặt khác cũng phải có
chính sách nhằm huy động nhiều hơn sự đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ phụ nữ
đồng thời kiểm soát việc lạm dụng hình ảnh của phụ nữ trong quảng cáo tiêu dùng
để không củng cố thêm các khuôn mẫu truyền thống bất lợi cho bình đẳng giới và
tiến bộ của phụ nữ.
- Xin cảm ơn bà!
Yến Nhi (thực hiện)