Ngày 21/11, thông tin tới VietNamNet, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh đang hoàn thiện một số nội dung liên quan việc sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định.
Theo đó, phạm vi mở rộng trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định.
Thành lập 3 phường, gồm phường Nam Phong, phường Nam Vân trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích và dân số của xã Nam Phong và xã Nam Vân hiện có; 1 phường mới trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Mỹ Lộc và xã Mỹ Hưng.
"Chúng tôi huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân", ông Dũng nói.
Ông Trần Anh Dũng cho biết, tỉnh đã nhận được văn bản góp ý của Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.
Theo đó, Bộ Nội vụ thống nhất về đề xuất sắp xếp huyện Mỹ Lộc với TP Nam Định theo diện khuyến khích nhằm giảm số lượng ĐVHC cấp huyện, tăng quy mô về diện tích tự nhiên, dân số, mở rộng không gian phát triển cho TP Nam Định và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp, lưu ý đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp hoặc tên gọi đã được sử dụng trong lịch sử hình thành, phát triển của ĐVHC.
Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Nam Định chủ động xây dựng đề án riêng về sắp xếp huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định kèm theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của địa phương, bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị đối với TP Nam Định và tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các phường thuộc TP sau sắp xếp.
Tỉnh Nam Định cần sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phương án sắp xếp ĐVHC phù hợp với nội dung các quy hoạch có liên quan.
Bộ Nội vụ đề nghị tại phương án tổng thể cần làm rõ sự phù hợp của các phương án này đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan và bổ sung các văn bản, căn cứ pháp lý để làm rõ sự phù hợp của phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã nêu trên với quy hoạch.
Đồng thời, rà soát các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị đối với thị trấn hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường sau sắp xếp.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị tỉnh Nam Định chủ động xây dựng phương án để giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư theo đúng lộ trình đã quy định.
Trường hợp đến thời điểm kết thúc thời hạn theo quy định mà chưa thể giải quyết hết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư thì đề nghị tỉnh Nam Định báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
UBND tỉnh Nam Định bổ sung nội dung về sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định vào Đề án nhập huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định (mở rộng địa giới hành chính TP Nam Định) để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đồng thời với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định.
Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét các kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định về kinh phí sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Sau khi hoàn thiện phương án tổng thể, đề nghị UBND tỉnh Nam Định khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và thực hiện các nhiệm vụ được phân công như: Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng trong công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư và việc thực hiện các chính sách khác theo quy định của pháp luật trên địa bàn sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn.