- Khí đốt là vũ khí lợi hại của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng có lẽ nền kinh tế dựa vào thế mạnh dầu thô đã khiến cho vị lãnh đạo này chưa được một ngày bình yên dù cuộc đối đầu với Phương Tây liên quan đến Ucraina đã bắt đầu căng thẳng.
Những vết rạn
Giữa tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ký sắc lệnh giảm 110.000 nhân viên thuộc Bộ Nội vụ, tương đương 10%. Hồi tháng 3, ông Putin đã tự cắt 10% lương sau khi yêu cầu tất cả các bộ trong chính phủ, trừ Bộ Quốc phòng, cắt giảm chi tiêu.
Đây là một vài trong số các biện pháp khắc khổ của chính phủ Nga nhằm giảm 10% chi tiêu chính phủ trong năm 2015 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế nước này sụt giảm 2,2% trong quý đầu năm.
Mặc dù được đánh giá là đang dần trở lại từ miệng bờ vực và có sức kháng cự đáng nể nhưng nền kinh tế Nga vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn khi các lệnh cấm vận vừa được Mỹ và châu Âu kéo dài thêm một năm. Bên cạnh đó, giá dầu chưa có tín hiệu hồi phục trong dài hạn đang khiến nhiều người lo lắng.
Đồng Rúp quay đầu trượt giá trở lại trong vài tuần gần đây cũng là một nỗi ám ảnh. Trong một tháng qua, theo Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), đồng rúp đã mất giá trên 10% so với đồng USD trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, lên tới 15,8% trong tháng 7. Thất nghiệp trên đà gia tăng và hàng triệu người cảm thấy mình rơi vào nghèo khó do lạm phát gia tăng trong khi lương thưởng giảm.
Khí đốt là vũ khí lợi hại của Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Hiện tại, Nga đang đối phó với nhiều bài toán khó giải. CBR gần đây buộc phải cắt giảm lãi suất bớt 0,5% xuống 11% để chặn đà suy thoái kinh tế cho dù hành động này có thể gây áp lực giảm giá lên đồng rúp và lạm phát nước này.
Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông Putin bị phe đối lập nhiều lần cáo buộc là người giàu nhất thế giới, với tài sản có ước tính lên tới 200 tỷ USD. Ông Putin cũng từng được so sánh có cuộc sống không khác một ông hoàng Trung Đông, với nhiều máy bay, du thuyền, ngồi nhà và xe hạng sang.
Hy vọng về một sự giảm căng thẳng giữa Nga và Mỹ sau cú điện thoại của Obama cảm ơn ông Putin về vai trò trung gian trong thỏa thuận hạt nhân với Iran đã vụt tắt sau khi Mỹ công bố danh sách mở rộng các cá nhân và công ty Nga chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các mũi dùi dư luận quốc tế cũng đang hướng vào Nga, xoáy vào sự thiếu tự do báo chí mà bằng chứng được Reuters đưa ra là sự tồn tại khiêm tốn của các tổ chức báo chí dám phê phán chính quyền đương nhiệm.
Đối mặt với giá dầu tụt dốc
Nền kinh tế Nga đã tránh được một cú đổ vỡ khi mà giá dầu xuống gần 40 USD/thùng, đồng rúp rơi tự do hồi cuối năm ngoái buộc CBR phải nâng lãi suất lên mức đỉnh 17% trong tháng 12 năm trước.
Nền kinh tế dựa vào thế mạnh dầu thô đã khiến cho ông Putin chưa được một ngày bình yên |
Theo Le Monde, các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biện pháp trả đũa của Nga đã khiến nhập khẩu của nước này sụt giảm gần một nửa nhưng nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng dương trong năm 2014.
Sự hồi sức của nền kinh tế Nga vào cuối 2014 và đầu 2015 là nhờ giá dầu tăng trở lại và lãi suất được cắt giảm. Tuy nhiên, giờ đây những yếu tố vốn đã gây hậu quả rất lớn đối với nền kinh tế Nga lại đang quay trở lại.
Giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần mới 3/8, tiếp tục giảm thêm hơn 1% xuống dưới ngưỡng 47 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua và tính từ đầu tháng 7, giá dầu đã giảm hơn 20% so với đỉnh hồi tháng 5.
Theo một khảo sát trên Bloomberg, đa phần các nhà kinh tế đều cho rằng, giá dầu còn tiếp tục giảm. Nguyên nhân là do nguồn cung từ Mỹ và nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác tăng đột biến. Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khiến thế giới lo ngại nguồn cung sẽ còn gia tăng khi nước này được phép xuất khẩu dầu.
Bên cạnh đó, sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu cũng là yếu tố cản trở dầu quay đầu tăng giá.
Theo các nhà kinh tế trên Bloomberg, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, nền kinh tế Nga có khả năng tới 85% bị suy thoái trong 12 tháng tiếp theo. Trong khi đó, trên thực tế, giá dầu đã xuyên thủng ngưỡng này và đang hướng trở về đáy cũ 40 USD/thùng.
Trong trường hợp nếu dầu về 40 USD/thùng, gần 70% các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế và hệ thống NH của Nga sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Nền kinh tế Nga có thể giảm tới 5% trong năm 2015. Chính phủ Nga khi đó sẽ phải tăng lãi suất trở lại để bảo vệ đồng rúp, thay vì điều chỉnh giảm như trong giai đoạn đầu năm 2015. Nga thậm chí sẽ rơi vào tình trạng buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn giống như của Hy Lạp.
Cú cắt giảm 10% nhân viên nội vụ tại Nga gần đây cho thấy, nền kinh tế nước này thực sự đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một nền kinh tế với gần 60% ngân sách phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu lửa hoặc liên quan đến dầu lửa thì mỗi dịch chuyển của giá mặt hàng này cũng ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.
Trong cuộc chiến dầu khí, Mỹ đang yếu thế dần so với OPEC và mang thêm lợi ích tới cho Trung Quốc nhưng lại gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trong khi Mỹ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt đánh vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga giống như đã từng làm với Iran, thì Nga vẫn còn một vũ khí lợi hại là khí đốt. Nếu tình hình thêm căng thẳng, châu Âu có thể là nạn nhân trong cuộc chiến giữa Nga và phương Tây.
V. Minh