Rất mong các vị đừng cố tình từ vô thức nhầm lẫn nữa, vì sẽ là tai họa nếu những câu vè sau đây là có thật: Dự án to nhưng lợi ích cho đất nước rất nhỏ/ Lợi ích vì dân nhỏ nhưng thiệt hại lại rất to...

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa mới gửi thư xin lỗi tới Đại sứ quán Nhật Bản do ông đã bị nhầm khi tuyên bố với báo chí rằng Chính phủ Nhật đã đồng ý cho Việt Nam vay 2 tỷ USD để xây dựng sân bay Long Thành trong khi điều đó vẫn chưa xảy ra(!)

Thật là kỳ quặc khi trên một đất nước nghèo, GDP chưa đầy 200 tỷ USD nhưng hết chuyện Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhầm con số 34.000 tỷ đồng lại đến Bộ GTVT nhầm. Kỳ quặc hơn nữa là cả hai lần nhầm lẫn đó, đều xấp xỉ trên dưới 2 tỷ USD.

Phải chăng các cấp quản lý nước ta đang bị hoang tưởng bởi sự hấp dẫn từ những con số khổng lồ của những dự án khủng? Dù không nói ra ai cũng hiểu vì sao trường hấp dẫn từ vô thức - theo cách nói của Sigmund Freud (1856-1939)? Theo S. Freud: Khi con người bị ám ảnh quá mức về một điều gì đó thì từ vô thức, những nhầm lẫn hay những giấc mơ của nó sẽ bộc phát thành những nhầm lẫn - mà trên thực tế, là những dứt day tha thiết muốn thực hiện chúng cho bằng được.

{keywords}

Nghe đâu dự án sân bay Long Thành dao động trong khoảng tiền đầu tư là 8 đến 18 tỷ USD. Các nhà hoạch định dự án có hay biết rằng một dự án “bay” ít nhất tốn 7,8 tỷ USD, có khả năng đón 25 triệu hành khách sau giai đoạn một (2025), so với nhiều sân bay khác trên thế giới đã và đang xây là sự đội vốn khó chấp nhận?

Chẳng hạn, sân bay Denver (Mỹ), tốn 7,45 tỷ USD để xây dựng (theo thời giá hiện nay) nhưng nó có diện tích lớn gấp hơn 9 lần so với SBLT (140.000 ha so với 25.000ha) và có khả năng đón 55 triệu hành khách (Nguồn .wikipedia), gấp đôi sân bay Long Thành, hay sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dự định tốn 5,6 tỷ USD nhưng có diện tích 77.000 ha, tức lớn gấp 3 lần SBLT, có khả năng đón 150 triệu hành khách/năm (gấp 8 lần SBLT) - (Nguồn unilogistics).

Nhỏ hơn, đón ít khách hơn sân bay của các nước nhiều lần, sao chi phí lại đắt hơn? Đó là chưa nói, giờ lao động trung bình ở Việt Nam, giá chỉ bằng 1/10 so với Mỹ: Khoảng 1 USD so với 10,10 USD. Trong khi đó, sự chênh lệch về giá nguyên vật liệu là không đáng kể.

Như vậy, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi rằng, phải chăng đã có sự nhầm lẫn trong việc khái toán chi phí xây dựng sân bay Long Thành Từ việc nhầm lẫn tai họa đó mới dẫn đến cái sự nhầm về nguồn tiền đã và sẽ có để làm gấp, làm ngay, làm lấy được? Tại sao có thể chấp nhận chuyện làm lấy được khi cái sự liều lĩnh ấy làm thiệt hại tiền dân, của nước vô số kể, gây ra làm ảnh những hệ lụy trì trệ nguy hại khó lường hết được?

Đây không phải là lần đầu tiên các dự án, công trình xây dựng của VN đắt hơn thế giới, lẽ ra phải là ngược lại. Sự mâu thuẫn này làm cho người dân bị ám ảnh, cũng tương tự như ông thứ trưởng bị ám ảnh về số tiền sẽ có thành đã có.

Có đời thuở nào làm kinh tế, kê để tính mà gặp đâu sai đó, làm chi nhầm lẫn đấy? Chuyện khôi hài xung quanh cái 34.000 tỷ đồng rút lại thành 800 tỷ giống như chỉ là cái bọt bèo so với sự xấu hổ của đất nước khi phải chính thức xin lỗi nước người bởi cái ảo tưởng về tiền...

Rất mong các quan chức nước nhà tính toán kỹ lưỡng mọi khoản chi tiêu cho dân nhờ, cho đất nước bớt nghèo, đỡ khổ. Rất mong các vị đừng cố tình từ vô thức nhầm lẫn nữa, vì sẽ là tai họa nếu những câu vè sau đây là có thật: Dự án to nhưng lợi ích cho đất nước rất nhỏ/ Lợi ích vì dân nhỏ nhưng thiệt hại lại rất to...

(Theo Motthegioi)