Phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh 

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có Covid-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam và hợp tác 3 bên về nông nghiệp.

Quan điểm trên cho thấy Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc xử lý các thách thức an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời mong các quốc gia tăng cường hợp tác, tham gia có trách nhiệm trong vấn đề này.

hoinghi.png
Quang cảnh hội nghị

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nạn đói vẫn đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được vào năm 2065, chậm hơn 3,5 thập kỷ so với kế hoạch ban đầu.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ vấn đề đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và bây giờ chứ không phải lúc nào khác phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau.

Ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc FAO cũng cho rằng bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, Việt Nam cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ – kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường được bền vững. Việt Nam đã sớm triển khai hành động chuyển đổi hệ thống thống lương thực thực phẩm.

Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới

Bảo đảm nguồn cung cấp lương thực ổn định

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm có chủ đề "Cùng nhau chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đăng cai tổ chức.

Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia, các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế.

Trong số các đại biểu quốc tế có Bộ trưởng của Thụy Sĩ, Malawi, Rwanda, Ethiopia, Campuchia, Saint Vincent và Grenadines; Thứ trưởng của Ghana, Kenya; Giám đốc điều hành UNIDO, Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế- CGIAR, Tổng giám đốc - Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và CIAT. Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO tham dự trực tuyến.

Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương; cùng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Ngay trước thềm hội nghị này, ngày 22/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại TP. Miyazaki, Tây Nam Nhật Bản, để tìm kiếm giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp lương thực ổn định.

Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của Hội nghị là xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và đề xuất các giải pháp, tập trung vào bốn vấn đề sau: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Mỹ Bình và nhóm PV, BTV