Được cấp phép xây dựng nhưng do thiếu vốn hay vì các lý do khác, nên đến nay, rất nhiều dự án (D.A) resort, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp nằm ở vùng ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất. Đặc biệt, sau khi bỏ đi, nhiều chủ D.A còn nợ rất nhiều tiền của người dân lao động tại địa phương.

{keywords}

D.A khu du lịch xanh Lăng Cô ở thị trấn Lăng Cô bỏ hoang giữa mưa nắng. Ảnh: PS

Lãng phí “tấc đất... tấc vàng”

Năm 2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Cty TNHH Mạc Lê xây dựng D.A khu nhà ở, văn phòng với mức đầu tư dự toán gần 300 tỷ đồng tại xã biển Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, sau khi được cấp phép, đến nay, D.A vẫn không được triển khai. Trước đó vào năm 2008, cũng tại xã này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam thực hiện D.A khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec - Huế trên diện tích 70ha với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6/2011 hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được 1/3 khối lượng thì D.A bỏ phí suốt hơn 5 năm qua vì thiếu nguồn vốn đầu tư tiếp.

Trong khi đó, nhiều năm trở lại đây, tại vùng biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc đã thu hút rất nhiều D.A xây dựng các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng, nhưng thực tế chỉ có một số D.A lớn được triển khai xây dựng bài bản, còn lại nhiều D.A khác đang trong tình cảnh... đất trống bỏ hoang.

Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép xây dựng cho Tổng Cty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam trên khu đất rộng 6,3ha, để xây dựng D.A khu du lịch xanh Lăng Cô, có tổng kinh phí xây dựng gần 170 tỷ đồng. Thế nhưng, theo ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thì D.A này đã bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua và hiện địa phương không biết phải xử lý ra sao. “Sau lễ khởi công chủ đầu tư chỉ xây một bờ tường và dựng tấm bảng thông báo về D.A rồi bặt tăm từ đó đến nay”.

Theo UBND thị trấn Lăng Cô, hiện trên địa bàn có gần 10 D.A du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép cho các Cty như: Đất Việt, Gia Minh Conic, Thương mại Việt... nhưng không thấy triển khai xây dựng, điều này đã gây lãng phí rất lớn đến tài nguyên đất của Nhà nước.

Dân nghèo ‘ôm nợ’ từ D.A treo

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng loạt D.A xây dựng theo kiểu xí phần, bỏ hoang. Ngoài việc gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, tiền bạc thì các D.A này còn gánh thêm một khoản tiền nợ khổng lồ đối với người dân địa phương trong quá trình xây dựng, phần lớn là tiền cung ứng nguyên vật liệu xây dựng, tiền công thợ thầy...

{keywords}

D.A Vincostec - Huế vẫn còn nợ tiền của nhiều người dân địa phương ở xã biển Thuận An. Ảnh: PS

Cụ thể, tại D.A Vincostec - Huế, dù đã ngừng thi công, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán hết các khoản nợ đối với các đại lý vật liệu xây dựng và nhân công lao động trên địa bàn. Bà Hồ Thị Thu Thủy, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở xã Phú Thuận bức xúc lẫn căm phẫn: “Khi D.A triển khai, đại diện đơn vị thi công đã đến cửa hàng tôi để mua vật liệu xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán số tiền 50 triệu đồng.

Chung tình cảnh này, anh Trần Văn Duế (trú thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) cũng “khóc dở, cười dở”, khi anh đại diện cho 4 chủ tàu hút cát ở địa phương ký hợp đồng với Cty Vinconstec - Huế để cung cấp cát, sạn cho D.A. “Đến nay, chủ D.A còn nợ tôi hơn 50 triệu đồng. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện đến Cty nhưng không ai nghe máy, giờ vợ chồng tôi chẳng biết làm sao khi nợ nần chồng chất”, anh Duế nói.

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ngoài các trường hợp kể trên, D.A Vinconstec còn nợ tiền công của nhiều lao động thời vụ ở địa phương và các xã lân cận. Trong đó, có khoảng 20 hộ dân từng có hợp đồng làm việc tại D.A Vincostec bị nợ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngoài D.A kể trên, gần 2 năm qua, D.A xây dựng Nhà máy Năng lượng pin mặt trời được đầu tư xây dựng tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền với số vốn trên 6.200 tỷ đồng đã trở thành “con nợ” của nhiều hộ dân địa phương. Theo lãnh đạo UBND xã Phong Hòa, D.A này vừa không đem lại nguồn lợi gì cho địa phương mà ngược lại, nhiều hộ dân trong vùng còn bị phía D.A và đơn vị xây dựng “quỵt” các khoản tiền mua sắm vật liệu, tiền công, tiền thuê nhà ở...

Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thừa Thiên - Huế cho biết, phần lớn các D.A được cấp phép nhưng không triển khai xây dựng là do thiếu vốn. “Về vấn đề một số chủ đầu tư D.A nợ tiền của người lao động địa phương, hiện Sở vẫn chưa nhận được thông tin phản ánh. Tuy nhiên, nếu có thì người dân nên gửi đơn để các cơ quan chức năng có căn cứ giải quyết khi làm việc với các nhà đầu tư D.A này”, ông Định khẳng định.

Theo Báo Thanh tra