Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM gần đây đã ký kết các biên bản ghi nhớ và thoả thuận liên chính phủ với Thái Lan, Philippines, Campuchia để tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình.
Hợp tác ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình
Việc ký kết gần đây nhất diễn ra vào giữa tháng 11 khi ROSATOM ký biên bản ghi nhớ với Bộ Năng lượng của nước Cộng hoà Philippines. Trong khuôn khổ hợp tác này, cả hai bên sẽ xem xét khả năng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi và trên đất liền có trang bị các lò phản ứng mô đun nhỏ tại Philippines.
Trước đó, tập đoàn Kinetics của Thái Lan và ROSATOM đã đồng ý xây dựng một khu tổ hợp máy gia tốc hạt nhân cyclotron với phòng thí nghiệm dược phẩm phóng xạ tại Học viện Công nghệ Hạt nhân Thái Lan (TINT). Ngoài ra, vào tháng 11, ROSATOM cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với trường đại học Chulalongkorn của Thái Lan nhằm tăng cường đối thoại trong lĩnh vực khoa học và giáo dục hạt nhân giữa hai nước.
Tập đoàn Kinetics và ROSATOM bắt tay xây dựng khu tổ hợp máy gia tốc hạt nhân cyclotron tại Thái Lan
Nhân sự hợp tác này, TS. Pornthep Nisamaneepong, Giám đốc Học viện Công nghệ Hạt nhân TINT phát biểu: “Mục tiêu của dự án là cung cấp các đồng vị phóng xạ y học dựa trên máy gia tốc, cung cấp thiết bị nghiên cứu chùm ion cho vật lý, sinh học, khoa học vật liệu, cũng như cung cấp các dịch vụ chiếu xạ cho ngành điện tử, ô tô và viễn thông. Khu tổ hợp cyclotron này cũng sẽ đặt nền tảng cho phát triển nhân sự trong các ứng dụng vật lý gia tốc và các ứng dụng chùm ion. Việc có sẵn nguồn dược phẩm phóng xạ sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của Thái Lan thông qua ứng dụng và phát triển công nghệ chùm ion; do đó, phù hợp với chiến lược quốc gia ‘Thái Lan 4.0’ của đất nước chúng tôi.”
Khu tổ hợp này ở Thái Lan sẽ sản xuất dược phẩm phóng xạ cho y học hạt nhân và các mục đích khác, đồng thời đặt nền móng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ và cải tiến bức xạ ở nước này.
TS. Shah Nawaz Ahmad, Cố vấn cao cấp của Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho biết: "Tổ hợp sắp tới sẽ mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân không chỉ ở Thái Lan mà còn trong khu vực. Việc đưa ra một hệ thống tiên tiến như vậy cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi biết ROSATOM và Kinetics sẽ làm việc tốt và chúng tôi chúc họ thành công trong nỗ lực này."
Vào tháng 9, một thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích hữu ích đã được ký giữa ROSATOM và Campuchia. Hiệp định này tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hạt nhân, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, và sử dụng công nghệ chiếu xạ trong sản xuất, y tế, nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
"Chính phủ Hoàng gia Campuchia xem xét tất cả các lựa chọn có thể để đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, có tính đến các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội. Trong thời gian gần đây, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng năng lực trong các ứng dụng phi năng lượng của công nghệ hạt nhân trong các ngành then chốt như chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp, chăn nuôi, xây dựng...," TS. Tin Ponlok, Tổng thư ký, Ban thư ký Hội đồng quốc gia phát triển bền vững, Vương quốc Campuchia phát biểu.
ROSATOM & Campuchia ký kết hợp tác
Nâng cao nhận thức công chúng về năng lượng hạt nhân
Trong những năm gần đây, Tập đoàn ROSATOM cũng đã giúp Việt Nam nâng cao nhận thức của công chúng về năng lượng hạt nhân, giới thiệu nhiều ứng dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích hòa bình, nhất là trong nông nghiệp và y học.
Hơn 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, Tập đoàn ROSATOM là đối tác đáng tin cậy trong việc phát triển và ứng dụng khoa học hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với sự hỗ trợ của ROSATOM, Đông Nam Á dự kiến sẽ được tăng cường năng lực hạt nhân và quan hệ quốc tế, không chỉ với Nga mà còn với các nước trong khu vực khác.
Tấn Tài