Ít nhất 1 nghìn tỷ USD mỗi năm đã bị "cướp" từ các quốc gia nghèo nhất thế giới, do những tên tội phạm và những quan chức tham nhũng, tuồn qua các con đường rửa tiền, trốn thuế và tham ô.

Cái giá ngày càng đắt này của tham nhũng được tiết lộ qua một nghiên cứu công bố hôm qua (3/9) của ONE, một tổ chức hoạt động chống đói nghèo. ONE kêu gọi các nước giàu trong nhóm G20 lật tẩy những công ty ma nặc danh đang được dùng để “ăn trộm” từ các nước nghèo. Theo ONE, hàng triệu đôla thất thoát từ những quốc gia đang khốn khổ vì nghèo đói được tuồn qua các ngân hàng và các công tư bí mật ở nhiều nơi như London, Delaware và Hongkong.

Nếu các nước đang phát triển giữ được số tiền này, họ có thể ngăn chặn khoảng 3,6 triệu người chết mỗi năm trong thời gian 2015 - 2025. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nước này sẽ không còn phải phụ thuộc vào tiền viện trợ của các nước giàu nữa.

{keywords}
Khai khoáng là ngành dễ bị "rút ruột" ở các nước đang phát triển.
Ảnh: The Independent

Báo cáo cho thấy 3,2 nghìn tỷ trong tổng số 20 nghìn tỷ USD tài sản không khai báo trên toàn thế giới là bắt nguồn từ các nước đang phát triển. Nếu số tiền thuế lên đến hàng triệu này được truy thu, nó có thể đem về cho ngân sách 19,5 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng ở vùng Tiểu Sahara của châu Phi, việc ngăn chặn tham nhũng có thể đem lại cơ hội giáo dục cho thêm 10 triệu trẻ em mỗi năm; cung cấp thuốc kháng virus cho hơn 1 triệu người mắc HIV/AIDS và thêm gần 16,5 triệu liều vaccine.

ONE thúc giục lãnh đạo các nước giàu:

- lật tẩy các “công ty ma” liên quan đến rửa tiền bằng cách công khai thông tin về các công ty này
- áp dụng “luật công khai chi phí” mạnh hơn với các ngành dầu mỏ, khí đốt và khai khoáng để ngăn tài nguyên thiên nhiên “chảy máu” khỏi các nước nghèo
- ngăn chặn việc trốn thuế bằng một cơ chế trao đổi thông tin tự động để các nước nghèo có thể thu được tiền thuế phải nộp cho họ
- đảm bảo các chính phủ đều công bố dữ liệu để công chúng có thể “theo dõi đồng tiền” và khiến các lãnh đạo phải giải trình.

TS. David McNair, giám đốc chính sách minh bạch và trách nhiệm giải trình của ONE, nói: “Ở các nước đang phát triển, tham nhũng là một kẻ sát nhân. Có đến 3,6 triệu mạng sống có thể được cứu nếu chúng ta ngăn chặn được cái mạng nhện bí mật đang ngầm giúp sức cho tội phạm và tham nhũng. Khi các chính phủ không còn tiền trong ngân sách để đầu tư cho những việc thiết yếu như y tế và giáo dục thì cái giá phải trả về con người là khủng khiếp”.

ONE chỉ ra một sự thật đáng buồn là tiền "chảy máu" từ các nước đang phát triển là vào túi của các nước giàu thông qua những hành vi phạm pháp trong trao đổi thương mại, hối lộ và biển thủ của các quan chức, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, trốn thuế... Khoảng 70% trong số 213 vụ án tham nhũng lớn nhất giai đoạn 1980 - 2010 đều liên quan đến các công ma này, ONE cho biết.

“Là trợ thủ đắc lực trong việc rửa tiền, các công ty này giữ kín danh tính của những kẻ trục lợi sau những thương vụ phạm pháp như buôn bán vũ khí, ma túy, buôn người, biển thủ công quỹ, trốn thuế...", nghiên cứu cho thấy ở nhiều nước, việc thành lập các công ty ma chỉ tồn tại trên giấy tờ và nặc danh là khá dễ dàng, dẫn đến việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt khó khả thi.

Chung Hoàng (theo The Independent/ONE)