Thời gian gần đây, nhiều nơi phải giãn cách, hạn chế tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19, mua hàng online, mua hàng trên các livestream đã trở thành lựa chọn của nhiều chị em. Các mặt hàng được bán trên các chương trình livestream đa dạng, phong phú, từ thời trang, mỹ phẩm tới đồ dùng gia đình, thực phẩm…

Tiện lợi, mua sắm nhanh, lại thường xuyên có giá bán ưu đãi, kèm theo quà tặng, chơi game trúng thưởng…, livestream là kênh mua sắm hiệu quả. Song hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đối với người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Rủi ro rình rập người tiêu dùng khi mua hàng trên các livestream - Ảnh 1.

Xem livestream, mua sắm hàng hóa đã trở nên quen thuộc với nhiều chị em. Ảnh minh họa

8 kho hàng, cơ sở kinh doanh, livestream bị triệt phá

Trong ngày 22/6/2021, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt triệt phá 8 kho hàng, cửa hàng kinh doanh, livestream bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên. Lực lượng chức năng đã thu giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm thuộc các nhóm mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc… không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Các cơ sở này chủ yếu kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Cụ thể, tại thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với công an do Tổng Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh trực tiếp chỉ đạo đã kiểm tra điểm tập kết hàng hoá do ông Trần Tiến Quang có hộ khẩu thường trú tại Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình đứng tên chủ kho thuê. Tại đây, các mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản được xé lẻ, vận chuyển bằng phương tiện xe tải về tập kết tại một số điểm trên địa bàn TP. Hà Nội để tiêu thụ, kiếm lời.

Rủi ro rình rập người tiêu dùng khi mua hàng trên các livestream - Ảnh 2.

Lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt triệt phá 8 kho hàng, hàng sở kinh doanh, livestream bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng không rõ nguồn gốc liên tỉnh Hà Nội, Hưng Yên

Tại địa bàn Hưng Yên, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng qua các fanpage "Chego Shop – Thế giới hàng Nhật", "Chego hàng Nhật EU" và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như zalo, viber.

Kiểm đếm hiện trường, lực lượng chức năng đã ghi nhận 93.400 đơn vị sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng và rượu do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp thời điểm lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.

Trong ngày 22/6, Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội 7, PC03, Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra 7 điểm kinh doanh và tổng kho nằm rải rác ở các vị trí khác nhau trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại kho chứa hàng không tên (ngõ 691 đường Bát Khối, quận Long Biên, Hà Nội), Đội QLTT số 14 đã thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ.

Rủi ro rình rập người tiêu dùng khi mua hàng trên các livestream - Ảnh 3.

Hàng hóa không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và chủ yếu kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Tại "Shop Thủy Top" ở địa chỉ 455A Bát Khối, Long Biên, Hà Nội, lực lượng chức năng ghi nhận 495 sản phẩm quần, áo, thắt lưng các nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lô hàng có trị giá 60.000.000 đồng. Phần lớn hàng hóa được cơ sở kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu là facebook. Hai facebook thường xuyên được sử dụng phục vụ mục đích trên là "Thủy Top rẻ và đẹp" và "Shop Thủy Top". Tại đây cũng có đủ các dụng cụ phục vụ livetreams. Nhân viên cửa hàng cho biết, chương trình livetreams tại cửa hàng được thực hiện vào buổi tối.

Tại cửa hàng kinh doanh số 41 phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 22.029 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất.

Tại cơ sở kinh doanh ở địa chỉ 11 ngõ 135/17/7 phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên, lực lượng chức năng ghi nhận có nhiều các sản phẩm sữa hộp như Ensure, Aptamil, Meji, Pedia sure cùng các sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm đựng trong các thùng carton. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 4.310 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm không có hoá đơn chứng từ.

Rủi ro luôn rình rập khi mua hàng trên livestream

Khi mua sắm online tăng mạnh trong mùa dịch, hình thức bán hàng livestream được các cá nhân, tổ chức chú trọng. Đây cũng là kẽ hở để những người bán hàng kém uy tín trà trộn các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vào bán cho người tiêu dùng.

Không chỉ tiềm ẩn những rủi ro về chất lượng hàng hóa, nhiều đối tượng đã lợi dụng thông tin người xem, mua hàng để lại trên livestream như họ tên, số điện thoại, địa chỉ… để trục lợi. Việc lộ thông tin cá nhân, thậm chí thông tin bị bán cho bên thứ ba khiến người tiêu dùng gặp nhiều phiền toái như phải nhận các thông tin rao vặt, quảng cáo…

Chính vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng, lựa chọn khi mua hàng trên các livestream, tránh để mình trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.

Theo Phụ nữ Việt Nam

  •