Đây là câu hỏi được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 5/10.

{keywords}
Rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh

Theo Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2010 – 2020 vẫn tồn tại một số hạn chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thiếu chiến lược hoàn chỉnh thúc đẩy kết nối với đô thị. Chiến lược phát triển bao trùm, trong đó có chiến lược đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới chưa được thể chế hóa. Vì thế, chưa thể khắc phục tình trạng gia tăng ngăn cách, chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn còn thiếu gắn bó với phát triển công nghiệp, liên kết vùng, khu kinh tế động lực, với đô thị hóa và toàn cầu hóa. Kinh tế nông nghiệp chưa chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng kinh tế tổng hợp, kết nối với kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, chưa đồng đều giữa các địa phương. Sản xuất còn nhiều rủi ro, chưa bền vững. Khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao. Giá trị gia tăng còn thấp, chất lượng và thương hiệu nông sản chưa tương xứng với vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu. Chương trình OCOP mới chỉ bắt đầu và tạo động lực chủ yếu cho dòng sản phẩm chủ lực cấp địa phương.

Ngành nông nghiệp vẫn còn chậm chạp trong phát triển kinh tế hộ chuyển dịch lên quy mô lớn, trang trại, doanh nghiệp. Phần lớn hộ nông dân (trên 70%) có quy mô sử dụng đất nông nghiệp dưới 2 ha. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tuy tăng nhanh, nhưng còn rất ít, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực thấp. Chủ thể chính ở nông thôn vẫn là nông dân, phần lớn chưa qua đào tạo, chỉ có một số ít có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Công nghiệp chế biến chưa đủ đa quy mô công suất, đa tầng công nghệ, hoặc chưa đủ linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nguồn cung lớn, thay đổi theo mùa vụ, nhiều bất thường của sản xuất nông nghiệp. Công tác thị trường còn yếu, kém. Hạ tầng logistic chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

“Nông thôn đã phát triển nhưng tốc độ phát triển của thành thị còn mạnh mẽ hơn"

Tham dự hội thảo, TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện nghiên cứu thể chế nông nghiệp cũng nhận thấy, thu nhập và đời sống người dân cải thiện còn chậm, chưa đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa. Phân hóa nông thôn, chênh lệch thu nhập ở nông thôn tiến triển mạnh.

“Nông thôn đã phát triển nhưng tốc độ phát triển của thành thị còn mạnh mẽ hơn. Chúng ta từng nghĩ nâng cao học vấn khu vực nông thôn sẽ cải thiện đời sống khu vực này nhưng thực tế những người càng học cao đa số lại tìm cách lập nghiệp ở thành thị, vì vậy, vẫn chưa thực sự rút ngắn được khoảng cách nông thôn và thành thị. Cơ hội dành cho những người dân nông thôn vì thế cũng không thể nhiều như ở thành thị”, ông Sơn phân tích.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, việc tái cơ cấu nông nghiệp cần thực hiện liên tục và “thức thời” hơn nữa. “Hàng ngày, hàng giờ cấu trúc thị trường, quy mô thị trường đang thay đổi. Nếu tái cơ cấu chỉ giải quyết các vướng mắc của chúng ta mà chậm với các yêu cầu của thời đại về công nghệ, thị trường… thì rất phiến diện và sẽ không thành công”.

Theo mục tiêu tổng quát xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa.

Cùng với đó, kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Phạm Lương Bằng - Nhóm PV