Ngày Tết, tủ lạnh luôn đầy ắp thức ăn. Sơ chế, bảo quản thực phẩm như thế nào để tươi lâu và an toàn là điều nhiều gia đình quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, muốn trữ được thực phẩm lâu, chúng ta cần chú ý trong quá trình chọn lựa thực phẩm. Cụ thể, bạn phải chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

PGS.TS Lâm cũng chỉ ra sai lầm của nhiều người là thường cho cả tảng to thịt bò, lợn… vào tủ lạnh, sau đó đem ra rã đông, cắt một phần dùng chế biến, phần còn lại lại tiếp tục cho vào tủ đông để lưu trữ. “Hành động này làm thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, nhanh hỏng”, PGS.TS Lâm nói.

Theo đó, thực phẩm khi mua về, người nội trợ phải phân loại và chia nhỏ. Dự kiến mỗi bữa cả nhà dùng bao nhiêu, sau đó cắt nhỏ và cho vào từng hộp bảo quản.

Trước khi bảo quản, chúng ta cũng nên rửa qua nước muối giúp diệt khuẩn, ngăn cản vi khuẩn phát triển. Hiện tại, nhiều gia đình chọn mua tủ lạnh dung tích lớn, chứa được nhiều loại thực phẩm. Điều quan trọng là người nội trợ phải nhớ được ngày bắt đầu lưu giữ thực phẩm. Chúng ta có thể dùng bút ghi ngày, tháng phía ngoài từng túi thực phẩm, thực phẩm mình mua về trước thì ăn trước.

Đồng thời, các gia đình nên kiểm tra tủ lạnh thường xuyên. Thực phẩm bị bỏ quên, lâu ngày sinh nấm mốc, vi khuẩn gây tình trạng ngộ độc. Mỗi loại thực phẩm đều có hạn sử dụng riêng, vì thế cần dán nhãn hạn sử dụng lên từng loại thực phẩm Tết để tránh xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm trong những ngày đầu năm mới.

“Ngày xưa, thời bao cấp do thiếu thốn thực phẩm nên ngày Tết ăn nhiều, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn. Các nhà thường chung nhau đụng lợn, cá… với khối lượng lớn tích trữ Tết. Nhưng ngày nay, do thời gian trong năm, thực phẩm đầy đủ, dư thừa nên nhu cầu ăn uống ngày Tết cũng không quá nhiều. Một số siêu thị, cửa hàng… cũng mở cửa xuyên Tết vì vậy chúng ta mua vừa phải, hạn chế trữ quá nhiều thực phẩm, ăn lâu ngày không hết”, PGS.TS Lâm nói.

{keywords}
 

Mỗi loại thực phẩm có hạn sử dụng khác nhau. Ví dụ thịt trong siêu thị là hàng đông lạnh sẵn, người tiêu dùng theo thời gian ghi trên bao bì để sử dụng. Thực phẩm như thịt, cá mua ở chợ để khoảng 10 ngày trong ngăn đá. Cá, tôm biển sạch hơn và thường được đông lạnh sẵn ngay trên tàu, thuyền có thể lưu trữ được lâu hơn.

Tương tự, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng lưu ý, bảo quản thực phẩm cần có sự sắp xếp thông minh, khoa học.

Trước tiên, người nội trợ phải phân loại thực phẩm trước khi cất trữ. Đa số người nội trợ Việt Nam vẫn giữ thói quen sau khi đi chợ sẽ bỏ ngay thực phẩm mới mua vào tủ lạnh để giữ độ tươi mới. Điều này thực ra là một sai lầm. Các loại thực phẩm cần được chia ra làm 3 loại: thực phẩm sống, thực phẩm chín và thực phẩm đóng hộp. Sau đó, sẽ sắp xếp 3 loại thực phẩm này thành từng ngăn riêng biệt trong tủ lạnh.

Đối với thực phẩm sống từ thực vật như: rau, hoa quả, trái cây… nên cất tại ngăn dưới tủ lạnh, không nên để rau và trái cây ngay bên dưới ngăn đá vì dễ bị dập. Lưu ý, sơ chế sạch sẽ và để thật ráo nước các loại thực vật, sau đó chia chúng ra túi hoặc hộp riêng. Đối với súp lơ, cà rốt, hành tây, hành lá, chanh, gừng… nếu được bọc nilon (nilon bọc thức ăn) sẽ giữ rau củ tươi rất lâu.

Đối với thực phẩm sống từ động vật như: thịt cá, lợn. bò, gà, hải sản… nên sơ chế thật sạch và để ráo nước, sau đó chia thành từng phần phù hợp với nhu cầu sử dụng. Phải bọc thật kỹ thực phẩm và giữ trong ngăn đá tủ lạnh, để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Thực phẩm tươi sống chế biến ngay trong ngày thì để ở ngăn mát, còn giữ lâu ngày thì phải để ở ngăn đá.

Với thực phẩm chín như bánh chưng, giò chả, gà luộc cần để nguội hẳn trước khi cho vào tủ lạnh, sau đó bọc kín và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh.

Đồng thời, không được để thức ăn đã nấu chín chung với thực phẩm tươi sống để tránh vi khuẩn lây nhiễm chéo. Luôn nhớ hâm nóng thực phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn. Tránh để đồ hộp đã mở nắp trong tủ lạnh vì sẽ làm cho thức ăn chứa trong hộp bị nhiễm vị kim loại.

Cho thực phẩm vào từng hộp sạch, để cho nguội hẳn rồi mới đậy nắp và bảo quản trong tủ lạnh.

Với thực phẩm ăn sẵn, đóng hộp như sản phẩm sữa, ta không nên để chung với các loại thực phẩm khác vì sữa rất dễ hấp thụ mùi. Hãy bọc kín sữa và để ngăn cánh tủ lạnh, tách biệt với các ngăn khác. Với pho mát, nên bọc thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín đựng thực phẩm vì pho mát rất nhanh khô, dễ làm mất mùi vị tự nhiên của chúng.

Với chức năng cất trữ thực phẩm, tủ lạnh là môi trường của rất nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy. Muốn giữ cho thực phẩm, đồ ăn luôn tươi ngon, ta cần thường xuyên lau và dọn chiếc tủ lạnh của gia đình.

Ngọc Trang

Ăn măng ngày Tết thế nào để không có hại cho sức khoẻ?

Ăn măng ngày Tết thế nào để không có hại cho sức khoẻ?

Măng có nhiều chất dinh dưỡng tăng sức khỏe đường ruột nhưng cần luộc chín để loại bỏ chất gây hại.