- Liên quan đến  “tái cơ cấu” EVN Telecom, có bốn doanh nghiệp đã và đang tham gia ở nhiều mức độ khác nhau. Nhiều luồng ý kiến dự đoán nhiều khả năng tập Viettel sẽ thâu tóm EVN Telecom, tuy nhiên kịch bản này cũng không dễ thành hiện thực.


Tập đoàn FPT ban đầu đã đặt cọc 700 tỷ đồng để đàm phám mua 51% vốn của EVN Telecom. Lấy lý do Chính phủ yêu cầu Nhà nước phải sở hữu ít nhất 51% vốn EVN Telecom, FPT đã chấm dứt việc đàm phán đầu tư vào EVN Telecom, nhưng chưa lấy lại được khoản tiền đặt cọc trên. VTC, một doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% đã đặt cọc 120 tỷ đồng để đàm phán mua lại 30% vốn EVN Telecom. Nhưng đến tháng 9/2011, VTC ngưng đàm phán do có thông tin Chính phủ giao cho Viettel tiếp quản EVN Telecom.

Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tự tin rằng EVN Telecom sẽ sáp nhập vào Viettel một cách nhanh chóng, không có gì để bàn cãi vì được Chính phủ bật đèn xanh.

Nhưng cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2011, xuất hiện phản ứng dồn dập của Hanoi Telecom và đối tác Hutchison Telecom, những doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ phải cho họ ưu tiên mua lại EVN Telecom, hoặc mua lại phần sở hữu của EVN Telecom trong mảng băng tần 3G đang được EVN Telecom và Hanoi Telecom sở hữu chung. Họ cho rằng nếu EVN Telecom sáp nhập vào Viettel, sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh.

Sau khi có những sự kiện trên, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ chưa quyết định số phận EVN Telecom. Chưa thấy lãnh đạo của Viettel tỏ quan điểm Viettel quyết tâm theo đuổi việc tiếp nhận EVN Telecom, bất chấp những sự kiện trên.
Vậy luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về việc Viettel tiếp nhận EVN Telecom?

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, từ 01/7/2010, các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp Nhà nước bị bãi bỏ. Viettel, EVN Telecom đã chuyển đổi thành Công ty TNHH một chủ (Nhà nước sở hữu 100%). Việc tổ chức lại doanh nghiệp, phải tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp Viettel tiếp nhận EVN Telecom, cần áp dụng Điều 153 Luật Doanh nghiệp (Sáp nhập doanh nghiệp), trong đó Viettel là công ty nhận sáp nhập, EVN Telecom là công ty bị sáp nhập.

Theo Điều 153 khoản 3 Luật Doanh nghiệp, công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập. Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật Cạnh tranh có quy định khác. Do Viettel là một đại gia trong lĩnh vực điện thoại di động, những quy định trên cần được xem xét, áp dụng nếu Viettel tiếp nhận EVN Telecom.

Theo Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 01/7/2005,  việc tập trung kinh tế (trong đó có sáp nhập, mua lại, liên doanh) phải tuân thủ Luật Cạnh tranh. Theo Điều 18 Luật Cạnh tranh, việc tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% thị trường liên quan, trừ trường hợp được miễn trừ theo Điều 19 Luật Cạnh tranh.

Hanoi Telecom cho rằng Viettel nếu tiếp nhận EVN Telecom sẽ chiếm 50% quỹ tần số 3G quốc gia. Như vậy có thể coi việc tập trung kinh tế giữa Viettel và EVN Telecom thuộc trường hợp bị cấm theo Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Điều 19 Luật Cạnh tranh, Viettel và EVN Telecom có thể đề nghị được xem xét miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm, nếu họ chứng minh EVN Telecom đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.

Như vậy, nếu Viettel muốn tiếp nhận thành công EVN Telecom phải thông báo việc tập trung kinh tế cho cơ quan quản lý cạnh tranh và nếu thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm phải đệ đơn lên cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét miễn trừ. Cho đến nay, chưa thấy Viettel có những động thái này, do đó theo Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh, Viettel chưa thể bắt đầu tiến hành việc tiếp nhận EVN Telecom.

Nếu Viettel quyết tâm tiếp nhận EVN Telecom, ít nhất Viettel và EVN Telecom phải có hồ sơ thông báo việc tập trung kinh tế theo Điều 21 Luật Cạnh tranh. Hồ sơ này phải có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thị phần trong hai năm liên tiếp gần nhất của từng doanh nghiệp(ngoài những tài liệu khác). Nếu Viettel không nộp hồ sơ thông báo này cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước ngày 31/12/2011, Viettel và EVN Telecom phải có những báo cáo tài chính được kiểm toán và báo cáo thị phần của các năm 2010, 2011. Nói cách khác, nếu hai doanh nghiệp này không mau chóng nộp hồ sơ trong năm 2011, sớm nhất đến tháng 04/2012 họ mới có đủ điều kiện để nộp hồ sơ thông báo. Việc thụ lý trả lời thông báo tập trung kinh tế hoặc xem xét miễn trừ đối với tập trung kinh tế có thể diễn ra thêm nhiều tháng. Như vậy theo dự đoán của chúng tôi, đến tháng 7/2012 mới có kết quả xác định EVN Telecom có được sáp nhập vào Viettel hay không.

Theo Luật Viễn thông (Điều 19 khoản 5 và khoản 6), việc tập trung kinh tế đối với trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có thị phần từ 30% đến 50% phải được thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế; đối với việc miễn trừ tập trung kinh tế bị cấm , phải được chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Do EVN Telecom và Hanoi Telecom có sở hữu chung mảng băng tần 3G, nếu Viettel tiếp nhận EVN Telecom, phải tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của Hanoi Telecom được quy định theo các Điều 24 và Điều 26 Luật Tần số vô tuyến điện, và được Hanoi Telecom và EVN Telecom thỏa thuận trong Hợp đồng liên danh đã được hai bến ký theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mặt khác, nhà đầu tư Hutchison Telecom là một nhà đầu tư nước ngoài. Nếu việc tập trung kinh tế không được tiến hành theo đúng Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Viễn thông và không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài này theo Luật Tần số vô tuyến điện, Luật đầu tư, không loại trừ họ sẽ căn cứ vào các Hiệp định bảo hộ đầu tư liên quan đã ký với Việt Nam để tranh tụng quốc tế với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam, như ông Phạm Ngọc Lãng – Chủ tịch Hanoi Telecom nhận định.

Như vậy, ngoại trừ FPT đã bỏ cuộc, việc tranh giành EVN Telecom giữa Viettel, Hanoi Telecom và VTC chưa có hồi kết và càng khó đoán kết cục. Theo chúng tôi, Chính phủ Việt Nam cần thận trọng trong việc tái cơ cấu EVN Telecom, cần tham khảo kỹ lưỡng các chuyên gia pháp lý, viễn thông và tài chính trước khi đưa ra quyết định. Một quyết định nhanh vội có thể dẫn tới những hậu quả khó lường.

  • Luật sư Trần Vũ Hải