Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Ở khía cạnh kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín nghiên cứu về an ninh năng lượng cho rằng, việc đầu tư hiệu quả 01 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư từ 3 đến 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung.

{keywords}
Nhà máy nhiệt điện Thăng Long

Ở khía cạnh bảo tồn tài nguyên năng lượng, cho dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015. Từ đây có thể thấy rằng, bên cạnh việc khai thác, mở rộng nguồn cung năng lượng, bao gồm cả việc phát triển các nguồn cung mới ngoài lãnh thổ, việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, tối ưu hóa chất lượng sử dụng năng lượng của nền kinh tế đã được Đảng và Nhà nước nhận định từ rất sớm và chuyển hóa yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống chính sách, luật pháp phù hợp.

Ở phạm vị quốc gia, các hoạt động cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã được thống nhất hóa trong khung hành động tổng thể thông qua Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được tổ chức triển khai liên tục trong 10 năm (2006 – 2015). Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu này cho thấy, Việt Nam đã thu nhận những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Chúng ta đã ban hành và tổ chức triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2011) và các văn bản dưới luật gồm các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Mặc dù việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần tiếp tục phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới nhưng có thể thấy rằng, việc nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm điều tiết hoạt động xã hội theo hướng trách nhiệm với tài nguyên năng lượng của đất nước. Các tổ chức quốc tế uy tín đồng hành cùng sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đánh giá rất cao kết quả này.

Các đánh giá khách quan cũng chỉ ra rằng, khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE – tons of oil equivalent) tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện đã được tiết kiệm so với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nếu không thực hiện Chương trình mục tiêu này. Điều đáng nói, hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình không chỉ dừng lại trong thời gian tổ chức thực hiện Chương trình mà còn tiếp tục phát huy nhiều năm tiếp theo, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

Huỳnh Kiệt