Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp. Từ ngày 27/4 đến sáng ngày 16/5, cả nước đã ghi nhận 1.079 ca mắc tại 26 tỉnh, thành phố.
Trong số này có 17 nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó 9 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (2 bác sĩ, 9 điều dưỡng), 2 bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Trung ương và 6 nhân viên y tế tại Bệnh viện K.
Nhiều ý kiến đặt câu hỏi, vì sao nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vẫn nhiễm bệnh và hoài nghi về hiệu quả của vắc xin.
Thực tế, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có gần 800 nhân viên y tế, cơ sở 2 có hơn 300 người. Tuy nhiên, do lượng vắc xin hạn chế nên bệnh viện chưa tiêm phủ rộng hết nhân viên.
GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết thêm, chỉ có duy nhất 1 bác sĩ trong số 9 nhân viên y tế bị mắc đã được tiêm vắc xin, song cũng mới chỉ chích ngừa 1 mũi.
GS Nguyễn Văn Kính
Sau khi bị phong toả từ ngày 5/5 đến nay, bệnh viện đã tiêm nốt những nhân viên y tế còn lại, trường hợp nào đã mắc bệnh, sau 6 tháng nữa sẽ tiêm.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, 2 nam bác sĩ N.V.C (55 tuổi) và N.V.P (42 tuổi), cùng làm tại Phòng chỉ đạo Chương trình vừa mắc Covid-19 cũng chưa được tiêm vắc xin. Bệnh viện đã triển khai tiêm vắc xin, tuy nhiên mới ưu tiên tiêm cho khu vực điều trị và khu vực nguy cơ cao.
Tương tự, 6 nhân viên tại Bệnh viện K mắc Covid-19 cũng chưa được tiêm ngừa do toàn bệnh viện chưa triển khai.
GS Kính cho biết, trong 150 triệu ca mắc toàn thế giới, có tới 10% là cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. Đây là nhóm có nguy cơ cao nhất. Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân càng dài, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao. Do đó, đây là đối tượng đầu tiên trong 9 nhóm ưu tiên được tiêm vắc xin tại nước ta.
Dù vậy, không có loại vắc xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tất cả các loại vắc xin đạt tỉ lệ bảo vệ trên 90% đã được xem là lý tưởng.
Theo tiêu chuẩn của WHO, vắc xin chỉ đạt hiệu quả bảo vệ trên 50% đã có thể sử dụng để tiêm.
Các vắc xin ngừa Covid-19 đang được WHO khuyến cáo cũng như của Mỹ cấp phép sử dụng đều có hiệu quả từ 81 đến 97%.
Y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân Covid-19 nặng giữa đêm. Ảnh: Thanh Đặng
Với vắc xin AstraZeneca Việt Nam đang chích ngừa, báo cáo mới nhất của hãng cho thấy, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì. Hiệu quả cao nhất tăng lên 82% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần.
Dù vậy, vắc xin này giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong. AstraZeneca khuyên khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 4-12 tuần, còn WHO khuyến cáo nên từ 8-12 tuần.
Do đó, nếu 1 người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 nếu rơi vào nhóm không sinh miễn dịch.
Ngoài ra, những vắc xin này có ngăn chặn được hết tất cả các biến thể hay không vẫn là một câu hỏi lớn, thách thức lớn cho ngành vắc xin để theo dõi.
Theo GS Kính, vắc xin là công cụ bổ sung giúp ngăn chặn dịch, nhưng trong bối cảnh nguồn cung đang thiếu hiện nay, không thể trông chờ hoàn toàn vào vắc xin. Mỗi người dân cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm được gần 970.000 liều vắc xin AstraZeneca cho nhóm các đối tượng ưu tiên.
Thúy Hạnh
Việt Nam đã đàm phán được 110 triệu liều vắc xin Covid-19
Việt Nam đã đàm phán với nhiều quốc gia, tổ chức cam kết cung cấp 110 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 ngay trong năm nay.