Các cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thành trì quân nổi dậy ở ngoại ô thủ đô Damascus đã khiến dư luận lại chú ý đến Sarin, một chất độc thần kinh bị cấm.


Sarin cũng là chất mà các quan chức tình báo Mỹ nghi được sử dụng ít nhất 2 lần trước đó trong cuộc nội chiến ở Syria. Những nghi ngờ đó đã đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama đi đến kết luận hồi tháng 4 rằng chính quyền Bashar al-Assad gần như chắc chắn đã vượt qua một "giới tuyến đỏ" trong cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi qua chống lại quân nổi dậy.

{keywords}
Vụ tấn công được cho là bằng khí độc ở ngoại ô Damascus đã cướp mạng sống của hàng trăm, có thể là hàng nghìn người. (Ảnh: AP)

Vụ tấn công bằng Sarin nổi tiếng nhất gần đây có lẽ là vụ nhằm vào tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995 làm ít nhất 13 người tử vong và khoảng 1.000 người bị thương.

Tuy nhiên, di sản của Sarin sắp được cập nhật. Thông tin về thương vong cho thấy các vụ tấn công gần Damascus là chết chóc nhất kể từ sau khi Saddam Hussein làm ngạt cả làng Halabja của người Kurd Iraq năm 1988.

Vậy Sarin là gì?

Sarin là một chất độc thần kinh được phát triển lần đầu bởi các nhà nghiên cứu Đức hồi cuối thập niên 1930. Độc hại gấp 500 lần Cyanide, Sarin là một chất lỏng không màu không mùi, gây co thắt cơ dữ dội, mất thị lực, và ngạt thở. Chất này có thể giết nạn nhân chỉ trong vòng một phút tiếp xúc trong những trường hợp cực độ.

Sarin được phân loại là một "vũ khí hủy diệt hàng loạt" và bị cấm trong Công ước Vũ khí Hóa học của Liên Hợp Quốc năm 1993. Syria là một trong 6 quốc gia không ký công ước này.

Sarin được sử dụng thế nào?

Sarin có thể được triển khai như một chất lỏng (như trong vụ tàu điện ngầm Tokyo) nhưng cũng có thể được đưa lên tên lửa và đạn cối.

Trong các đầu nổ, Sarin có thể được đưa vào cùng các hóa chất khác để biến thành một khí độc thần kinh. Các hộp chứa Sarin cũng có thể được phóng đi từ súng chống tăng và máy phóng vác vai.

Kho Sarin của ông Assad có gì?

Chính quyền Assad dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, cha của Bashar, được tin là dự trữ khí mù tạt lần đầu tiên từ những năm 1970. Đến năm 1980, họ bắt đầu chuyển các nhà máy thuốc trừ sâu sang sản xuất Sarin.

Chính quyền Asssad hiện đang lưu giữ hàng tấn chất độc thần kinh ở khoảng 50 địa điểm. Tuy nhiên, đến giờ, họ được tin là vẫn kiểm soát tốt các kho vũ khí hóa học, trong đó có Sarin, khí mù tạt và có lẽ cả VX - loại khí cực độc mà CIA cho là chính phủ Syria đang cố gắng phát triển.

Khi nào Sarin được sử dụng như một vũ khí hóa học?

Một thập niên trước vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo, Tổng thống Iraq Saddam Hussein dùng Sarin chống lại các lực lượng Iran trong cuộc chiến giữa hai nước - và trong năm 1988 như một thành phần trong hợp chất hóa học chống lại người Kurd ở làng Halabja phía bắc Iraq. Khoảng 5.000 người đã tử vong.

Tại sao Mỹ và các nước khác khó chứng minh Assad sử dụng Sarin?

Các lực lượng đối lập ở Syria cho biết, 30 người bỏ mạng trong vụ tấn công hồi tháng 3, và hầu hết các bằng chứng hình ảnh cho thấy những người sống sót có triệu chứng phơi nhiễm Sarin như sủi bọt quanh miệng và đồng tử bị co lại.

Trong các cuộc tấn công kinh hoàng hơn nhiều trước rạng sáng ngày 21/8, một số nguồn tin đối lập khẳng định số người tử vong lên tới 1.300 người. Những người sống sót có cùng các dấu hiệu giống như nhiễm Sarin.

Bằng chứng sử dụng Sarin ở Syria xuất hiện dưới dạng hình ảnh, video, các mẫu đất và mẫu máu, trong đó mẫu máu là thuyết phục nhất, theo các chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, các mẫu máu từ các cuộc tấn công trước đó lại do lực lượng đối lập Syria cung cấp, một yếu tố làm giảm "độ tin cậy" mà các cơ quan tình báo Mỹ đặt vào chúng, bởi vì chúng có thể bị làm bẩn.

Đây là lý do Mỹ và các nước khác, trong đó có Anh và Pháp, ra sức gây sức ép để nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc giành được sự tiếp cận hiện trường. Cuối cùng, nhóm này đã tới được Syria vào giữa tháng 8 - chỉ vài ngày trước các cuộc tấn công mới nhất và chỉ sau vài tháng bế tắc về ngoại giao.

Tổng thống Assad lúc đầu ủng hộ Liên Hợp Quốc điều tra một vụ tấn công ngày 19/3 - nhưng khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon yêu cầu nhóm thanh sát điều tra tất cả các vụ được tin là sử dụng vũ khí hóa học thì ông Assad lại cản trở.

Ủng hộ lãnh đạo Syria, Nga cho rằng một cuộc điều tra mở rộng có nguy cơ lặp lại cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về "vũ khí hủy diệt" của Saddam Hussein - loại vũ khí mà hóa ra là không tồn tại nhưng là cớ để Mỹ phát động chiến tranh.

Thanh Hảo (Theo CSMonitor)