Bỏng

    Bệnh bỏng hay phỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát, hay bức xạ. Bệnh bỏng không đơn thuần chỉ là cảm giác nóng rát, bỏng có thể là tổn thương da nghiêm trọng làm cho các tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi. 

    Hậu quả của bỏng: da là lớp đầu tiên bảo vệ cơ thể và bỏng có thể phá hủy sự bảo vệ đó. Tất cả các loại bỏng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng hay gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng.

    Bỏng độ mấy cần ghép da?

    Phân loại độ nặng của bệnh bỏng:

    Bỏng nông:

    • Bỏng độ I: Viêm da cấp vô khuẩn.

    • Bỏng độ II: Bỏng biểu bì.

    • Bỏng độ III: Bỏng trung bì.

    Bỏng sâu:

    • Bỏng  độ IV: Bỏng toàn bộ lớp da.

    • Bỏng độ V: Bỏng các lớp sâu dưới lớp cân nông.

    Bỏng sâu tức bỏng từ độ IV trở lên cần phẫu thuật ghép da.

    Các triệu chứng phổ biến của bỏng bao gồm:

    • Bỏng độ I: đỏ da, viêm nhẹ hoặc sưng, đau, da khô, bong tróc khi lành vết bỏng

    • Bỏng độ II: xuất hiện bóng nước, sau đó da rất đỏ và đau. Một số bóng nước vỡ làm cho vết thương trông rất ướt. Theo thời gian, mô dạng vảy mềm và dày (dịch tiết sợi huyết) có thể phát triển trên vết thương

    • Bỏng độ III trở lên: vết bỏng có dạng sáp và màu trắng, cháy đen, màu nâu sẫm, da lở và lồi cơ, bóng nước không vỡ

    Người bệnh nên đến khám bác sĩ nếu:

    • Bỏng ở bàn tay, bàn chân, mặt, khu vực nhạy cảm, khớp lớn hoặc diện tích cơ thể lớn

    • Bỏng sâu

    • Bỏng do hóa chất hoặc điện

    • Khó thở hoặc bị bỏng đường hô hấp

    • Có các dấu hiệu nhiễm trùng như dịch chảy ra từ vết thương, đau nhiều hơn, đỏ và sưng

    • Bỏng hoặc có bóng nước lâu lành

    • Sẹo lớn

    • Bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc vấn đề sức khỏe mạn tính (như ung thư, bệnh tim hoặc bệnh đái tháo đường).

    Các thời kỳ của bỏng bao gồm:

    • Thời kỳ thứ nhất: 2-3 ngày đầu tiên sau khi bị bỏng. Biểu hiện đặc trưng là trạng thái sốc bỏng

    • Thời kỳ thứ hai (thời kỳ nhiễm độc, nhiễm khuẩn cấp): từ ngày thứ 4 đến ngày 45-60 sau khi bị bỏng. Đây là thời kỳ liền sẹo và khỏi bệnh đối với bỏng nông nhưng đối với bỏng sâu đây là thời kỳ nhiễm độc, nhiễm trùng.

    • Thời kỳ thứ ba (thời kỳ suy mòn bỏng): từ ngày thứ 45-60 trở đi, người bệnh sẽ trải qua thời kỳ này nếu bỏng không được điều trị và nuôi dưỡng tốt. Có ba mức độ suy mòn bỏng bao gồm:

      • Nhẹ: tổ chức hạt phù nề, gầy sụt cân khoảng 4–9 kg

      • Vừa: tổ chức hạt xuất huyết, gầy sụt cân khoảng 10–19 kg, teo cơ, phù dưới da, có các vết loét dưới điểm tỳ 

      • Nặng: vết thương bỏng không có mô hạt, có hoại tử thứ phát, gầy sụt cân khoảng 20–40 kg, teo cơ, phù dưới da, các vết loét dưới điểm tỳ nhiều và tiến triển xấu. Có rối loạn, suy chức năng và teo các cơ quan nội tạng và tuyến nội tiết, rối loạn tinh thần.

    Suy mòn bỏng nhẹ có khả năng hồi phục nhanh nếu điều trị tốt. Suy mòn bỏng vừa có thể có tử vong do các biến chứng khác của bệnh bỏng. Suy mòn bỏng nặng có tỉ lệ tử vong khoảng 50 - 60 %.

    • Thời kỳ thứ tư: thời kỳ hồi phục của bệnh bỏng. Vết thương bị bỏng đã được phủ kín và liền sẹo. Rối loạn chức năng của các cơ quan được phục hồi dần dần. Các rối loạn về chuyển hóa, dinh dưỡng cũng trở về bình thường (thời kỳ này kéo dài từ 1-1,5 tháng).

    Bỏng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. 

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bỏng bao gồm:

    • Sử dụng bếp củi, tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc dây điện

    • Lưu trữ không an toàn các vật liệu dễ cháy và ăn da

    • Hút thuốc không cẩn thận

    • Lạm dụng trẻ em

    • Điều chỉnh nhiệt độ máy nước nóng trên 54,4°C

    • Những thực phẩm và dụng cụ chứa thức ăn hâm nóng

    • Tiếp xúc quá nhiều với ánh mặt trời

    Một số nguyên nhân có thể gây ra bỏng bao gồm:

    • Bỏng nhiệt: do lửa, hơi nước, các vật nóng hoặc các chất lỏng nóng gây ra

    • Bỏng lạnh: do tiếp xúc với những điều kiện ướt, gió hoặc lạnh

    • Bỏng điện: do tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh

    • Bỏng hóa chất: do tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp. Hóa chất này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Thực phẩm tự nhiên như ớt chứa chất gây kích ứng cho da, có thể gây ra cảm giác bỏng

    • Bỏng bức xạ: gây ra bởi ánh nắng mặt trời, máy nhuộm da, tia cực tím, tia X hoặc xạ trị trong điều trị ung thư

    • Bỏng ma sát: do tiếp xúc với bất kỳ bề mặt cứng như đường, thảm hoặc các sàn phòng tập thể dục

    Phân tích tác nhân gây bỏng theo lứa tuổi:

    • Sức nóng khô: người lớn gặp nhiều hơn trẻ em.

    • Sức nóng ướt: trẻ em gặp nhiều hơn người lớn.

    • Bỏng do hóa chất: chủ yếu gặp ở người lớn.

    • Bỏng do điện: tỷ lệ giữa trẻ em và người lớn tương đương nhau.

    Ô tô bất ngờ phát nổ lớn, người phụ nữ trong xe bỏng nặng

    Sau tiếng nổ lớn, người phụ nữ được đưa ra khỏi chiếc ô tô và lập tức chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Chị bị bỏng 25% cơ thể và đường hô hấp trên.

    Mặt biến dạng vì sai lầm nhiều người Việt mắc phải khi điều trị bỏng

    Nam sinh 14 tuổi bị bỏng nhưng không đến viện, tự đắp lá ở nhà. Sau đó, mặt bé sưng nề, không mở được mắt, đau đớn, gia đình mới đưa đi cấp cứu.