Luật bất thành văn, hay phải in ra đầy đủ và có chữ ký của tất cả "các bên"?

{keywords}

Tháng trước, cậu con trai 13 tuổi của tác giả sắm chiếc điện thoại di động đầu tiên trong đời. Theo chính sách về "đồ điện tử" chung của cả gia đình, cậu đã phải tự dành dụm tiền để mua và hàng tháng, tiền cước cũng do cậu tự đóng nốt. (Tiền làm thêm đảm bảo cậu có thể trang trải đủ chi phí, ngoài ra còn có kế hoạch kiếm tiền trong mùa xuân và mùa hè nữa).

Tác giả đã đọc qua rất nhiều bài báo về "quản lý con trẻ dùng ĐTDĐ như thế nào" được chia sẻ trên Facebook suốt những năm qua, do đó, khi nhận được lời xin phép từ cậu con trai về việc mua điện thoại, bà mẹ này đã dành thời gian tính toán xem nên áp dụng điều luật nào cho phù hợp nhất.

Hiện tại, trong gia đình đang áp dụng một quy tắc chung là không xem TV hoặc chơi video game trong ngày thường, cho phép tự do vào dịp cuối tuần trừ phi bố mẹ không thể chịu đựng nổi nữa. Quy tắc này không áp dụng cho bài tập về nhà, cũng như không hạn chế việc sử dụng email hay nhắn tin (cả 2 đứa lớn - 13 và 11 tuổi - đều sở hữu iPad), vì việc đó là không cần thiết.

Tuy nhiên, smartphone lại là câu chuyện khác. Nếu như với iPad, chúng chỉ có thể nhắn tin hoặc email khi có mạng Wi-Fi, thì với smartphone, chúng có thể nhắn tin cho bạn ngay trên ô tô. iPad cũng không thể đút túi quần nên không có cảnh con bạn rút nó ra khi đang ăn trong nhà hàng, hoặc chúi mũi vào đó thay vì nói chuyện với bố mẹ và các anh chị em. Rõ ràng, các quy định hạn chế hiện hành không thể áp dụng với smartphone.

Vậy nên bà mẹ đã quyết định: yêu cầu cậu con cung cấp passcode đăng nhập vào điện thoại, cũng như thiết lập mật khẩu truy cập mọi tài khoản mạng xã hội mà cậu bé đang dùng. Tất cả những thông tin còn lại, bà quyết định không quan tâm đến.

Tác giả cũng trao đổi thẳng thắn với cậu bé về những nguyên tắc khi nhận/gửi tin nhắn. "Con có thể tin tưởng bạn bè của con sẽ không chuyển tiếp một SMS hoặc một email, hoặc ảnh chụp màn hình trên Snapchat cho người khác. Nhưng liệu con có thể tin anh trai/chị gái của bạn con không, nếu như họ vô tình cầm máy lên và xem được nổi dung?". Hãy đọc kỹ và kiểm tra lại nội dung trước khi nhấn nút "Send", và đừng quên bổ sung thêm vài ký tự mặt cười vào đó.

Trước khi cậu bé đập hộp điện thoại, người mẹ cũng trò chuyện nghiêm túc về việc bà không muốn điện thoại làm thay đổi quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ra sao. (Em gái út đã phàn nàn nguyên một ngày về việc anh trai có thể sẽ không thèm nói chuyện với mình nữa). "Mẹ không muốn con chỉ nhìn vào điện thoại, thay vì nhìn chúng ta", bà nói.

Nhưng có một khoảng lặng khi cậu bé ngước lên, cân nhắc những gì bà mẹ vừa nói. Một sự im lặng đầy ý nghĩa. Và đột nhiên, bà mẹ hiểu cậu đang nghĩ gì. "Có phải con cảm thấy mẹ từng làm vậy với con không?" - "Đôi lúc mẹ ạ".

Đó là một cuộc trò chuyện mà bà mẹ khó có thể quên được. Nguyên tắc sử dụng điện thoại của bà cũng phải thay đổi, kể từ nay. Suy cho cùng, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải bình đẳng và tôn trọng luật chung như nhau. Nếu bố mẹ tự cho mình cái quyền đứng cao hơn luật trong nhà, đừng hy vọng con cái họ sẽ tôn trọng luật hơn mình.

Thiên Ý