“Quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra… như thế vô tình khoác cho doanh nghiệp Nhà nước cái áo chật chội mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là quản trị tốt…”

Đó là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa” diễn ra ngày 30/11/2018..

Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Tạp chí kinh tế và Dự báo phối hợp với  Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần (PVGAS).

{keywords}
 

Diễn đàn với sự tham dự của PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế; Ths Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); Ths Hoàng Trường Giang - Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương; TS Phạm Tuấn Anh - Chuyên gia tài chính; TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế ; cùng gần 300 đại biểu đại diện các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đối thoại, trao đổi thẳng thắn về cơ chế chính sách và thực trạng cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đó là những vướng mắc rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước tiến cụ thể thực hiện chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong tách bạch quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước. Đồng thời, cũng là một bước để thiết lập khuôn khổ quản trị hiện đại, minh bạch, mang tính chất của một nhà đầu tư.

{keywords}
 

Để thực hiện việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 707/2017/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Cùng với Nghị quyết số 12/2017/NQ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành trong Hội nghị lần thứ V một lần nữa nhấn mạnh việc đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 doanh nghiệp Nhà nước, gấp 1,03 lần so với 55 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã tiếp tục phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 doanh nghiệp Nhà nước, bằng 86% so với cùng kỳ 2017 với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672 tỷ đồng; trong đó, giá trị vốn nhà nước là 23.084 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055 tỷ đồng; trong đó, thu từ cổ phần hóa là 22.457 tỷ đồng và thu từ thoái vốn là 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2016 thu 30.000 tỷ đồng, năm 2017 thu 140.000 tỷ đồng và năm 2018 là 28.000 tỷ đồng.

Theo ông Phan Đức Hiếu, "trước nay chúng ta quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra… như thế vô tình chúng ta khoác cho doanh nghiệp Nhà nước cái áo chật chội mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước."

Về sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, sự chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn tới đòi hỏi phải cải cách.

Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp Nhà nước với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy. Chính phủ không bảo lãnh cho các doanh nghiệp Nhà nước trong các khoản vay trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đơn giản hóa và hợp lý hóa thông lệ hoạt động và khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp Nhà nước.

Lệ Thanh