Xuất khẩu "con giống" của người đang giúp Mỹ thu lợi hàng triệu đô la mỗi năm. Ảnh: The Verge |
Việc mua - bán tinh trùng hiện đang phát triển rộng khắp toàn cầu và mang tính quốc tế hóa. Ngày càng có nhiều đứa trẻ ra đời nhờ "con giống" của những người cha vô danh ở các lục địa xa xôi.
Xuất khẩu tinh trùng hiện là một ngành công nghiệp triệu đô cũng như thế mạnh xuất khẩu của Mỹ. Theo nhiều thống kê, Mỹ là nước xuất khẩu "con giống" đứng đầu thế giới, tới hàng chục quốc gia bạn hàng mỗi năm.
Tại sao "con giống" Mỹ lại được ưa chuộng đến như vậy? Câu trả lời không hẳn liên quan đến thể trạng tốt và sự sung sức của đàn ông nước này.
Trong bài viết đăng tải trên trang The Verge, tác giả Brooke Jarvis đã liệt kê rất nhiều nguyên nhân: Trước hết, đó là vì, lịch sử nhập cư của Mỹ đồng nghĩa với sự đa dạng chủng tộc hiếm có. Đối với một số phụ nữ nước ngoài khát khao làm mẹ, đặc điểm này có thể tạo cho Mỹ lợi thế hơn các nước như Đan Mạch - một cường quốc xuất khẩu "con giống" khác trên thế giới.
Nguyên nhân thứ hai là, "con giống" của Mỹ có chất lượng cao. Mỹ đã ban hành một số tiêu chuẩn về kiểm tra bệnh dịch và sàng lọc tinh trùng nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) định nghĩa tinh trùng là mô của người và quản lý việc hiến tặng nó gần tương tự như đối với các bộ phận cơ thể khác. Sau khi thu thập một mẫu tinh dịch, cơ quan chức trách sẽ kiểm đếm số lượng tinh trùng trong mẫu đó dưới kính hiển vi để xác định xem nó có chất lượng tốt hay không. Nếu số tế bào sống nhiều hơn số tế bào chết, mẫu "con giống" đó mới được chấp thuận. Sau đó, người ta sẽ đưa nó vào một máy ly tâm để loại bỏ các tế bào máu, tinh dịch và các hạt không mong muốn khác, rồi cho đông lạnh trong nitơ lỏng.
Ngoài ra, dù thực hiện nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng tinh trùng nhưng Mỹ lại dường như buông lỏng các quy định quản lý khác, khiến nước này hình thành nguồn cung "con giống" tương đối lớn hơn đa phần quốc gia còn lại trên thế giới. Cụ thể là, Mỹ cho phép đàn ông hiến tặng tinh trùng nặc danh và được trả tiền cho việc làm đó. Trong khi ở các nước khác, nguồn hiến tặng tinh trùng sụt giảm vì luật cấm nặc danh hoặc trả tiền cho việc đó.
Sau khi Anh chấm dứt quyền nặc danh của người hiến tặng tinh trùng vào năm 2005, sự chờ đợi để nhận được "con giống" có thể kéo dài tới vài năm, một phần vì ngày càng ít đàn ông đồng ý chia sẻ tinh trùng với nhiều phụ nữ hoặc với những phụ nữ mà họ không biết rõ. Ở Canada, các lo ngại về việc thương mại hóa quá trình sinh sản của con người đã dẫn tới lệnh cấm trả tiền cho người hiến tặng vào năm 2005 và đến năm 2011, một ngân hàng tinh trùng với 35 người hiến tặng thường xuyên đã tạo thành toàn bộ nguồn cung của nước này, theo tạp chí The Grid. Hiện tại, hơn 90% tinh trùng hiến tặng được sử dụng ở Canada có nguồn gốc nhập khẩu từ Mỹ.
Trước hàng loạt chỉ trích về sự dễ dãi, các nhà lập pháp Mỹ hiện đã siết chặt hơn các quy định. Một trong số đó là yêu cầu những người hiến tặng tinh trùng phải cho phép bất kỳ đứa con trong tương lai nào của họ liên lạc với bố đẻ của mình khi chúng đủ 18 tuổi. Quy định này là một phần trong hệ thống "Nhận dạng mở" và nhằm giảm số nam giới đang hiến tặng "con giống" vì tiền.
Tuấn Anh (Theo Discovery, The Verge)