Doanh nghiệp tiên phong

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt là việc phát triển kinh tế số trong thời đại mới, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp cùng cuộc đua. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), những năm qua đã phát huy vai trò tiên phong trong CĐS.

Theo bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc thương mại Simexco DakLak, từ năm 2023, công ty đã chú trọng vào CĐS nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị. Từ đó hướng đến mục tiêu trở thành DN số vào năm 2030. Hiện tại, công ty đang áp dụng CĐS ở các khâu từ tổ chức bộ máy, kiểm soát chất lượng, mua hàng, xuất khẩu sản phẩm…

Nổi bật, ở mảng xuất khẩu, công ty hiện đang triển khai Hệ thống quản trị đơn hàng điện tử online Monday.com mang lại hiệu quả tích cực. Nếu như trước đây, việc xuất khẩu một đơn hàng phải trải qua nhiều khâu, với từng bộ phận nhập dữ liệu để theo dõi từ sản xuất, đóng hàng, lập đơn, nhập cảng… mất nhiều thời gian thì nay đã khác.

Sau khi áp dụng phần mềm này, tất cả các bộ phận, phòng, ban, chi nhánh đều có thể truy cập lấy/nạp thông tin mình phụ trách để theo dõi quá trình xử lý các đơn hàng xuất khẩu nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Đồng thời, tiết kiệm thời gian truyền tải dữ liệu qua văn bản, email, điện thoại, tránh phát sinh công việc trùng lặp. 

Dak lac 1.jpg
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk chú trọng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Từ tháng 6/2024, Simexco DakLak đã ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử để triển khai họp, xử lý công việc nội bộ và làm việc. Phần mềm này giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, nhân viên có thể xử lý công việc bất cứ đâu nếu có kết nối Internet, giúp DN dễ dàng duy trì hoạt động trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, tài liệu, dữ liệu được lưu trữ, truy cập, tìm kiếm thông tin nhanh chóng và áp dụng các biện pháp bảo mật hiện đại như mã hóa dữ liệu, quản lý truy cập, giúp bảo vệ thông tin quan trọng của DN. Đồng thời, giúp giảm sử dụng giấy tờ và tài liệu vật lý, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí vận hành không gian văn phòng.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc cũng là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ số nhằm thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, ngoài sử dụng các nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử để chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất và bán hàng, HTX đang triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong khâu chăm sóc sầu riêng trên diện tích 5.000 m2.

Ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc cho hay, từ tháng 8/2024, HTX đã phối hợp với thành viên triển khai hệ thống AIGU Smart Farm ứng dụng công nghệ tự động hóa để cung cấp nước, dinh dưỡng, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm tài nguyên.

Phần mềm đang giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng cho cây sầu riêng và giải phóng sức lao động con người trong tương lai. Theo đó, để triển khai phần mềm, nhà cung cấp sẽ lắp đặt thiết bị cảm biến tại vườn cây để đo độ pH, NPK, dẫn điện, nhiệt độ, độ ẩm không khí…

Ở mỗi giai đoạn, lứa tuổi phát triển của cây, các thông tin đều được thu thập và hiển thị về phần mềm cảnh báo tới nông dân để họ kịp thời điều tiết nguồn nước và chế độ dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, nông dân cũng có thể linh hoạt thời gian tưới nước, bón chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật mọi thời điểm.

Chính quyền tiếp sức

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về CĐS, chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Dak lac 2.jpg
Nông dân ứng dụng công nghệ để live stream (phát trực tiếp) chia sẻ phần mềm sản xuất mới tại vườn sầu riêng xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).

Đối với kinh tế số, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN, HTX, các hộ kinh doanh tiếp cận CĐS trong sản xuất, kinh doanh.

Nhờ vậy, đến tháng 12/2024, tỉnh Đắk Lắk có 1.715 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 42.933 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 5 toàn quốc về số giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 259.652 hộ, đạt 43% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp. Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, việc phát triển kinh tế số đã thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Hy vọng rằng với sự tiếp sức, hỗ trợ của chính quyền, các sở, ngành cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người dân, kinh tế số của tỉnh sẽ có bước nhảy vọt, từ đó tạo thêm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk.

Theo KHẢ LÊ - KHÁNH HUYỀN (Báo Đắk Lắk)