Luật Hợp tác xã (HTX) 2023 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật gồm 12 Chương, 115 Điều, tăng 3 chương và 51 Điều so với Luật HTX năm 2012. Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

mo hinh trong buoi da xanh 1.jpg
Hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng giúp HTX có được đòn bẩy để phát triển trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Luật trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Quy định tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên chính thức lên 30% vốn điều lệ đối với HTX, 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX. Thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.

So với Luật HTX năm 2012, Luật năm 2023 đã thiết kế một Chương về tổ hợp tác. Các tổ hợp tác khi góp vốn và hợp đồng hợp tác không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng trở lên phải đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh để thống nhất quản lý nhà nước và áp dụng chính sách hỗ trợ cho tổ hợp tác. Luật bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên HTX tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, Luật đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20 – NQ/TW và dành một Chương riêng cho các nhóm chính sách này để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn. Chính sách đất đai. Chính sách thuế và lệ phí. Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm. Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường. Chính sách đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị. Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, tránh trục lợi chính sách, ưu tiên tổ chức kinh tế tập thể thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật HTX năm 2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện thúc đẩy cho các HTX tham gia vào nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới hiện nay. Hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng giúp HTX có được đòn bẩy để phát triển trong quá trình thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự chủ. Đây chính là cơ hội để các HTX phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển HTX còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các HTX như: điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên còn thấp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX còn hạn chế; các HTX còn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, thị trường... Những khó khăn này đòi hỏi khu vực HTX, nhất là các HTX ở các địa phương phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...            

Lãnh đạo các HTX cho rằng, để HTX hoạt động có hiệu quả, trước tiên về mặt tổ chức thì con người là yếu tố quyết định phải được chọn lọc chặt chẽ, nhất là cán bộ chủ chốt, phải là người có tâm huyết, năng lực, dám nghĩ dám làm, biết lắng nghe ý kiến đóng góp chân thành từ thành viên HTX, người lao động, hộ kinh doanh và các khách hàng.

Các thách thức trong bối cảnh tình hình mới đặt ra yêu cầu, đòi hỏi bức thiết đối với khu vực kinh tế tập thể để thay đổi, phát huy các lợi thế liên kết, cùng nhau hợp tác của mỗi thành viên theo mô hình HTX, qua đó tăng quy mô, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Tiến Quang