Chỉ số PAPI năm 2021 tăng vọt từ thứ hạng 51 lên thứ hạng 31

Công tác CCHC đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là một trong bốn đột phá chiến lược để tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao uy tín của hệ thống chính trị đối với người dân và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ thành quả CCHC.

Năm ngoái, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 26.1.2021 về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm phục vụ quá trình CCHC của tỉnh.

Đầu năm nay, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1183/KH-UBND về việc tuyên truyền công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với điểm mới là thực hiện truyền thông về CCHC lên cổng hành chính công trên mạng xã hội Zalo; gắn với việc trả lời tất cả phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức; tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục trực tuyến qua môi trường mạng... Từ đó, làm tăng mối liên hệ giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Thông qua cổng thông tin này, từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 6, Tây Ninh đã tiếp nhận và xử lý được 81 phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính.

Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 6, Tây Ninh đã tiếp nhận và xử lý được 81 phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính.

Nhằm khắc phục những hạn chế các Chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh năm 2022, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các Sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để phân tích kết quả, tồn tại, hạn chế của các chỉ số (gồm các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX và SIPAS), qua đó tìm ra những giải pháp, cách làm mới để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Với sự triển khai quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, chỉ số PAPI năm 2021 tăng vọt từ thứ hạng 51 (năm 2020) lên thứ hạng 31, chỉ số PCI đạt 63,9 điểm, xếp thứ hạng 37 thuộc nhóm trung bình, chỉ số Par index đạt 86,46 điểm, tăng 1,87 điểm so với năm 2020…

Để phục vụ công tác CCHC, tỉnh đầu tư máy quét (scan) mới cho 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã phục vụ việc số hoá kết quả TTHC theo chỉ đạo của Chính phủ; nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đáp ứng Nghị định số 107/2021 ngày 6.12.2021 của Chính phủ; đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế - xã hội tập trung tỉnh.

Kết nối đồng bộ để đảm bảo phục vụ các hệ thống thông tin tin cậy, ổn định

Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định. Hàng tháng, UBND tỉnh Tây Ninh đều công bố kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận Một cửa các cấp trên cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh qua zalo, nhằm công khai, minh bạch quá trình giải quyết TTHC, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn của từng cơ quan, đơn vị để kịp thời khắc phục.

Đến nay, Tây Ninh đã tích hợp 960/1.818 thủ tục Dịch vụ công mức độ 4 lên cổng Dịch vụ công quốc gia (đạt 52,8%) và đồng bộ 100% tình trạng xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử tập trung của tỉnh…

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh đang đẩy mạnh tái cấu trúc, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu, nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, tính toán (xử lý big data, AI, IOT) và được kết nối đồng bộ để đảm bảo phục vụ các hệ thống thông tin tin cậy, ổn định.

Cùng đó, Tây Ninh hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh, chia sẻ dữ liệu CNTT dùng chung của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP-National Data Exchange Platform), xây dựng các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành tích hợp lên hệ thống giám sát điều hành tập trung (phần mềm quản lý hồ sơ thi đua, khen thưởng; phần mềm quản lý cán bộ công chức; dữ liệu y tế, giáo dục và giám sát dịch vụ hành chính công).

Đáng chú ý, Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên kết nối thành công việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với việc chuẩn bị đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành kinh tế - xã hội tập trung tỉnh, giúp tích hợp, phân tích các dữ liệu về y tế, giáo dục, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả toàn tỉnh và từng bước hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ chỉ đạo điều hành của tỉnh, công khai minh bạch các thông tin dữ liệu phục cho người dân, doanh nghiệp, cho thấy nỗ lực lớn trong cải cách hành chính, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh.

Tân Châu