Fabian Wandt - chàng trai trẻ người Đức hiện đang giữ cương vị Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam - đang ấp ủ những kế hoạch phát triển ngành logistic trên thị trường Thương mại điện tử Việt Nam.

Từ thực tập sinh trở thành Giám đốc Vận hành Lazada VN

- Sau hơn 5 năm, từ một thực tập sinh anh đã trở thành Giám đốc điều hành phụ trách Logistics của Lazada Việt Nam như thế nào?

Khi tôi còn là một nhân viên thực tập, ngay trong ngày làm việc thứ hai, sếp thông báo với tôi rằng ông ấy sẽ rời Việt Nam và liệu tôi có sẵn sàng đảm nhiệm một thử thách khó khăn là lãnh đạo nhóm giao nhận với 10 thành viên không. Đó thật sự là một cơ hội lớn. Nhóm của tôi phụ trách việc giải quyết những đơn đặt hàng của người mua, và một trong những khoảnh khắc tuyệt nhất là khi lần đầu tiên chúng tôi đạt chỉ tiêu 100 đơn hàng trong một ngày. Điều đó đã tiếp thêm năng lượng to lớn cho chúng tôi.

{keywords}

Sau đó, tôi kinh qua nhiều vị trí khác như trưởng bộ phận kho bãi ở TP.HCM, trưởng phòng nghiên cứu thị trường, phụ trách chuỗi cung ứng, phụ trách giao nhận, và từ tháng 3/2017 thì tôi trở thành Giám đốc mảng Vận hành của Lazada.

Đó chắc chắn không phải là một con đường bằng phẳng. Tôi từng gặp thất bại, rồi lại vực dậy và tiếp tục chiến đấu để đạt được những mục tiêu trong công việc. Đồng thời tôi cũng phải chấp nhận rằng mình không có nhiều thời gian rảnh như những người bạn đồng trang lứa. Tóm lại, những gì tôi đạt được dựa trên 3 nguyên tắc chính: làm việc chăm chỉ, tin tưởng vào đồng nghiệp và không bao giờ nói không với những thử thách mới.

- Anh nhận định quy trình quản lý hậu cần tại Việt Nam thời điểm đó như thế nào?

Đó là năm 2013, Lazada chỉ có một nhà kho nhỏ ở Cát Lái. Tất cả mọi thứ đều được thực hiện một cách thủ công từ việc nhận đơn hàng, quản lý hàng hóa cho đến vận chuyển đến tay người mua. Hoàn toàn không có máy móc và thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Chúng tôi sử dụng dịch vụ vận chuyển của Bưu Điện VN để đưa hàng đến tận nhà khách, nó thường mất vài ngày.

Sau 5 năm không ngừng xây dựng và phát triển, hiện chúng tôi đang có 3 trung tâm tiếp nhận và quản lý hàng hóa với tổng diện tích sử dụng lên đến 15.000 mét vuông cùng hệ thống kỹ thuật hiện đại. Chúng tôi cũng đang phát triển hệ thống vận chuyển của riêng mình là Lazada Express. Ngoài ra, Lazada cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới vận chuyển bằng việc hợp tác với hơn 15 công ty vận chuyển uy tín.

- Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, anh có nhận xét gì về tốc độ phát triển của ngành này tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực?

Theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Dịch Vụ Logistic Vietnam (VLBA) thì ngành dịch vụ này đang chiếm 20-25% GDP cả nước, với tốc độ phát triển đáng kể là 12% mỗi năm, trong một ngành kinh doanh trị giá 632 tỉ đô từ đây đến năm 2020. Những con số ấn tượng này cho thấy sự phát triển cực kỳ nhanh của dịch vụ logistic tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử, với tốc độ lên đến 200% so với trước đây. Dù vậy, chúng tôi mới chỉ đang ở giai đoạn đầu mà thôi, bởi thương mại điện tử vẫn mới chỉ chiếm 0.6% trong thị phần bán lẻ toàn quốc (số liệu năm 2015). Trong khi đó ở Trung Quốc, mua sắm qua mạng đã chiếm được 15.9% thị phần. Đó cũng chính là cái đích mà chúng tôi hướng tới, có thể sẽ mất vài năm, nhưng chúng tôi đã nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam nhanh hơn một số thị trường khác nhờ dân số trẻ và GDP đầu người ngày càng tăng.

Mua sắm bằng một click chuột

- Việt Nam đang từng bước phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tăng năng suất xuất khẩu hàng hóa thông qua Internet. Theo anh thì Việt Nam cần chuẩn bị gì cho điều này?

Thương mại điện tử dựa hoàn toàn vào sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ. Muốn làm tốt, chính phủ VN cần phải tập trung xây dựng hệ thống kỹ thuật hiện đại và quy trình tự động nhằm cắt giảm chi phí vận hành. Bán hàng xuyên biên giới không chỉ đơn thuần là việc xuất khẩu, nó còn là chuyện nhập khẩu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Việc thi hành những điều luật rõ ràng trong việc thông quan và thuế sẽ giúp ích cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra nhanh hơn và bền vững hơn.

{keywords}

- Vậy Lazada sẽ làm gì với kế hoạch xuyên biên giới này, thưa anh?

Hiện chúng tôi đã có nhóm làm việc cho dự án xuyên biên giới của mình tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong. Nhóm này chịu trách nhiệm trong việc nhận hàng tại nước ngoài bao gồm cả việc đào tạo, lấy hàng trực tiếp từ nhà cung cấp, phân loại hàng hóa ngay tại xưởng và chuyển hàng đến những đơn vị giao nhận quốc tế. Ngay khi kiện hàng được chuyển về đến Việt Nam và hoàn tất thủ tục thông quan, chúng tôi sẽ ngay lập tức giao hàng đến tay người mua trong nước thông qua hệ thống vận chuyển nội địa sẵn có của mình.

Chúng tôi đang thử chuyển hàng bằng đường biển, đường không và cả đường bộ bằng xe tải. Thực tế địa hình Việt Nam rất thuận lợi cho dịch vụ thương mại điện tử kể cả xuất lẫn nhập khẩu. Mục tiêu của tôi là làm cho người Việt có thể dễ dàng ngồi nhà mua sắm ở bất cứ đâu trên thế giới. Tại sao phải bay tận sang Singapore hay Thái Lan trong khi bạn có thể mua bất cứ thứ gì chỉ bằng một cú click chuột?

- Cảm ơn anh!

Linh Đan (thực hiện)