Kết hợp quân - dân y là một đặc thù của y tế Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết quân - dân trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Mô hình này đã và đang khẳng định vai trò trong thực tiễn, nhất là ở khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Từ năm 2005, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT - BYT-BQP, ngày 16-3-2005, hướng dẫn triển khai thống nhất hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh quân - dân y toàn quốc, với mục tiêu: “Kết hợp quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân”, trong đó, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm. 

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, hệ thống Ban quân dân y các cấp được thành lập (cấp xã chỉ thành lập ở khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh và xã biên giới). Trạm quân - dân y Rào Tre nằm trên địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt di cư từ miền núi tỉnh Quảng Bình sang Hà Tĩnh, sau đó được tạo điều kiện định cư tại bản Rào Tre, xã Hương Liên.

Hiện nay, bản có 46 hộ với hơn 150 nhân khẩu. Cũng như mọi Trạm quân - dân y trên khắp đất nước, hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" tận tụy với sức khỏe quân, dân cũng như dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phản ánh chân thực nhất tình đoàn kết quân - dân cũng như tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được các cơ quan chính quyền dày công vun đắp.

Cũng như những Trạm quân - dân y có mặt ở khắp các tuyến biên gới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa..., nhiệm vụ cũng là trách nhiệm của Trạm quân - dân y Rào Tre, thuộc Trạm Biên phòng Bản Giàng từ khi được thành lập là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe  của người dân, lực lượng vũ trang.
Bác Cao Văn Thành đưa vợ bị ốm đến khám và điều trị tại Trạm quân - dân y Rào Tre từ sáng sớm, nhà ở thôn 4, xã Hương Liên bác Thành cũng như mọi người dân ở đây mỗi khi ốm đau đều nhờ đến Trạm.
Thiếu tá, y sĩ Nguyễn Đức Long một mình đảm nhiệm toàn bộ công việc khám, chữa bệnh, kê đơn, phát thuốc... ở Trạm quân - dân y Rào Tre.
Thiếu tá Nguyễn Đức Long cho biết Trạm hoạt động 24/24h hàng ngày, đối với bà con dân tộc Chứt và các gia đình chính sách (thương binh, liệt sĩ...) được khám chữa bệnh, phát thuốc hoàn toàn miễn phí theo quy định.
Mỗi tháng Trạm quân - dân y Rào Tre tiếp đón khoảng 160 đến trên 200 lượt bệnh nhân.
Không chỉ khám, điều trị cho người dân tại Trạm, với những trường hợp ốm nặng không thể đi lại, anh Long sẵn sàng đến tận nhà khám cho bệnh nhân.
Đã 32 năm trong quân ngũ, thiếu tá, y sĩ Nguyễn Đức Long đã có 6 năm công tác tại Trạm quân - dân y Rào Tre. Dù chỉ có một mình đảm nhiệm các công việc ở đây, y sĩ Long luôn tận tình với mỗi bệnh nhân mà theo như lời ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hương Liên thì y sĩ Long xứng đáng với danh xưng "Thầy thuốc như mẹ hiền" mà người dân nơi đây vẫn yêu quý, kính trọng.
Tất cả những việc như bắt mạch, đo huyết áp, kê thuốc, tiêm, truyền... đều một mình y sĩ Nguyễn Đức Long đảm nhiệm, đã có không ít những đêm anh Long thức trắng cùng bệnh nhân.
Không kể ngày đêm, bất kỳ lúc nào người dân ốm đau, cấp cứu đều được y sĩ Long tận tình cứu chữa. 
Anh Long cho biết nhà anh chỉ cách Trạm hơn 30 km nhưng vì công việc quá bận nên phải 5 - 6 tháng mới tranh thủ về thăm nhà một lần.
Thực tế cho thấy, chỉ có những “chiến sĩ áo trắng” mới có thể tiếp cận được những “điểm nóng” để vừa tiến hành y nghiệp, vừa tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững, tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tô thắm hình ảnh “Người chiến sĩ Quân y” - “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần giữ vững sự bình yên ở khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, khu vực biên giới Tổ quốc.
Thiếu tá - y sĩ Nguyễn Đức Long vẫn còn nhớ một năm trước đây, vào 1 giờ sáng ngày 15/05/2022 anh phải tiếp nhận một ca bệnh nhân là nữ nhà ở xóm 3, xã Liên Hương uống thuốc trừ sâu tự tử. Anh kể, may mắn là sau khi khẩn trương sơ cứu, anh đã đưa bệnh nhân lên bệnh viện huyện kịp thời giữ được mạng sống bệnh nhân. Còn rất nhiều kỷ niệm mà anh không tiện kể nhưng với anh,  niềm vui lớn nhất, tự hào nhất mà anh có được đó là được bà con tin yêu, quý mến.

Lê Anh Dũng, Ngô Thị Huyền, Việt Hùng, Quang Phong, Hoàng Hà