Nguyễn Thành Viên, chàng trai xứ Nghệ, đã trở thành “hiện tượng ca nhạc” của làng giải trí với tên gọi “chàng chăn dê”.

{keywords}

Thành Viên trong một lần về quê giúp gia đình làm nông nghiệp

Ấy là người ta đang nhắc đến hình ảnh mà Thành Viên lần đầu “xuất hiện” trước công chúng trong clip cover bài hát “Gõ cửa trái tim” được Viên đưa lên mạng để chia sẻ cũng bạn bè. Trong clip ấy, hai chị em Viên, sau khi thả dê trong rừng, đã tranh  thủ ngồi lại bên nương sắn của gia đình tại Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn, Nghệ An), tự thu âm bài hát qua chiếc máy tính cũ. Và ngay lập tức, ca khúc đã được nhiều người chia sẻ với rất nhiều thú vị, mến yêu. Cái tên “chàng chăn dê” đã theo Viên từ đó…

Và tôi, đã hình dung, mỗi đêm trên đường phố Sài Gòn, Thành Viên trở về trên chiếc xe máy cà tàng. Mùi phấn sáp bay đi theo gió. Những lấp lánh đã để lại sau cánh gà sân khấu. Khi đối diện với cái bóng trên vách tường nhà, thì anh chàng chăn dê ấy lại được thổn thức với nỗi nhớ, niềm thương và cả với những giấc mơ của mình.

Tôi cũng tình cờ nghe ca khúc ấy của Viên trên mạng, yêu thích nó, để rồi kết nối với anh chàng hiền hậu, dễ mến này. Có cảm giác như, sự sâu lắng, mượt mà, dung dị trong giọng hát ấy, cũng chính là con người Viên vậy. Viên nói: “ Em là người con của vùng quê nghèo, bố mẹ em trồng sắn và mía. Chị gái em lấy chồng quê thì nuôi gà, nuôi dê. Em thạo việc đồng áng, chăn nuôi hơn “thạo” hát, nhưng hát là đam mê, là giấc mơ của em, chưa bao giờ thay đổi”

Sinh năm 1991, Thành Viên là con út trong gia đình có 4 chị em. Ngay từ nhỏ, Viên đã mê hát. Không chỉ là một đam mê “bản năng” đâu, mà khi cất lên tiếng hát, cậu bé như cảm thấy mình được giãi bày, được chia sẻ, được nhớ và được quên. Viên kể rằng, em khỏe mạnh nhất nhà, nên cũng gắng đỡ đần cha mẹ nhiều công việc nặng nhọc: nào trồng sắn, bốc mía thuê, đi cày với bố…

Những khi mệt mỏi nhất, trong tim Viên vẫn ngân lên những giai điệu. Nó giúp Viên quên mệt, giúp Viên thấu hiểu cái vất vả của mẹ của cha, của người dân quê…Ngày nhỏ, mỗi lần được “biểu diễn” trước đông người, Viên hay chọn những bài hát về tình mẹ, tình cha, lần nào hát cũng khiến người khác rơi nước mắt. Cha mẹ Viên, vì thế rất tôn trọng sở thích, đam mê ca nhạc của con. Chỉ có điều, những người thân đã luôn khuyên Viên rằng, hãy coi đó như một “đam mê” để làm vui cho cuộc sống của mình, chứ đừng coi nó là lẽ sống bởi rằng “nghề hát bạc lắm”.

Vì thế, Viên đã đăng ký thi vào đại học Thái Nguyên, khoa Quản lý nhân lực sau khi tốt nghiệp cấp 3 chứ không phải là ngành nghệ thuật nào như mong mỏi của mình. Hơn nữa, những ngày đó, Viên chưa có một chút kiến thức nào về thanh nhạc ngoài những gì được dạy trong trường phổ thông.

Tốt nghiệp ra trường, không xin được việc làm, Viên quyết định vào Nam lập nghiệp. Viên vào Nam, với giấc mơ không nguội trong tim mình, biết đâu mình có cơ hội để… hát. Những ngày đầu, cậu trai quê lơ ngơ giữa phố thị, đi về căn phòng trọ cùng gia đình chị gái với biết bao nhiêu buồn, nhớ. Những ca khúc đành nén chặt lại trong tim.

Clip chàng trai chăn dê hát hay như Quang Lê

Có những lúc, thấy mình chừng như quá nhỏ bé, lạc lõng, Viên lại “đánh bạn” với chiếc máy tính cũ. Viên nhớ quê. Nhớ nương sắn, nhớ bầy dê, nhớ cái phóng khoáng của núi non, sông hồ quê nhà, và đặc biệt là nhớ mẹ. Ngày trước, ở nhà, sau những bữa cơm đơn sơ mà đầm ấm, Viên thường hát cho mẹ nghe. Với Viên, cho tới giờ, thì mẹ là khán giả trung thành, tận tụy và yêu thương Viên vô điều kiện.

Những bài hát ấy, lại được Viên tự hát, thu âm từ máy tính, trong căn phòng nhỏ chật chội với cồn cào nỗi nhớ để gửi về cho mẹ. Hẳn rằng, trên nương sắn, trên bãi mía quê nhà, mẹ đang làm việc không ngơi tay và cũng đang nhớ về đứa con trai út của mẹ. Mẹ có khóc thầm không, vì thương con? Mẹ có nhớ những bài hát ngày xưa lúc quây quần đầm ấm, và con vẫn còn trong vòng tay của mẹ?

Bao nhiêu thổn thức, Viên gửi vào những “Mừng tuổi mẹ”, “Xuân này con không về”, “Nhớ về một mùa xuân”, “Cay đắng bờ môi”… Những bài hát được đưa lên mạng, rồi Viên nhờ người làng mở cho mẹ nghe. “Tiếng lòng” của cậu con trai hiếu thuận ấy không chỉ đến với mẹ nơi quê nhà mà được rất nhiều người nghe đồng cảm, sẻ chia.

Có quãng thời gian, Viên xin được chân phục vụ cho quán Karaoke gần phòng trọ. Viên kể, có lần khi những vị khách cuối cùng rời khỏi quán, Viên vào dọn phòng hát. Những bản nhạc trên màn hình đang dang dở, Viên cầm micro, và say mê hát. Một vị khách để quên đồ quay lại, thấy chàng phục vụ đang hát say sưa quá, đã đứng lặng mà nghe một hồi. Khi hát xong, Viên giật mình khi thấy một bàn tay ấm đặt lên vai mình cùng lời khuyên: “Giọng hát em hay lắm, em nên đi học thêm để trở thành ca sỹ chuyên nghiệp”.

“Chỉ là lời động viên thôi, mà em thấy ấm lòng đến thế, em càng có quyết tâm hơn để theo đuổi giấc mơ của mình”- Viên kể lại, đầy xúc động. Rồi sau đó, Viên nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè, từ các ca sỹ chuyên nghiệp để có “sô” từ các đám cưới, sinh nhật, event, phòng trà hàng đêm. Trên những tấp pano quảng cáo cho chương trình ca nhạc ở phòng trà, các sân khấu nhỏ, đã có hình ảnh của “chàng chăn dê Nguyễn Thành Viên” như một cách “hút khách”.

Viên nói, với em, thế đã là hạnh phúc. Được mọi người biết tới và lắng nghe. Được hát như một cách để giãi bày chính mình. Hơn thế, nghề hát đã cho Viên có nguồn thu nhập, ngoài tiền catse, Viên còn được khán giả động viên thêm… Đó chẳng phải là điều em vẫn mong ước sao?

Nhưng cũng hơn ai hết, Thành Viên đã hiểu cái giá đằng sau những hào quang sân khấu. Là nỗi mệt mỏi, là sự cố gắng đổi mới không ngừng, là những chuyện thị phi, là những thất bại chực chờ…

Mỗi đêm hát trở về, có những khi đè nặng lên mình là nỗi hoang mang, nhưng cứ nghĩ đến những trang pháo tay, những bó hoa tươi của khán giả, nghĩ đến những cái vỗ vai động viên, đến nụ cười và nước mắt của những nghười lặng nghe Viên hát, là Viên lại “cảm thấy mình vững vàng hơn”. Có một câu nói của một người chị, đã luôn theo Viên mỗi khi cảm thấy mình chông chênh, thất bại, rằng: “Kệ đi em, hãy hít một hơi thật sâu, thở ra, đứng dậy và nói: Ta làm lại thôi!”

Hiện nay, những sản phẩm âm nhạc của “chàng chăn dê” Nguyễn Thành Viên một phần nhận được sự giúp đỡ từ người quan tâm, yêu mến, và chủ yếu do Viên tự làm, MV tự Viên biên tập. Thế mạnh của Viên là dòng nhạc trữ tình. Viên cũng bắt đầu đi học chuyên sâu về nhạc được ít buổi. Ca khúc được thu âm đầu tiên là “Không phải tại chúng mình” (Ngọc Văn) và “Tình em biển rộng sông dài” (Thông Đạt), trong đó, “Tình em biển rộng sông dài” đặc biệt được khán giả yêu thích. MV đầu tay của Viên được tung ra và cư dân mạng đón nhận nồng nhiệt ngay thềm năm mới 2016 này là “Câu chuyện đầu năm” như một món quà và hy vọng, mong mỏi của Viên dành tặng khán giả: “Mong đầu năm, cuối năm gặp may. Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy”.

Để nói một điều gì đó ư! với những khán giả đã yêu mến mình? Đó là lời cảm tạ. Nếu không có những mến yêu, nếu không có những chờ đợi, thậm chí là…đòi hỏi từ khán giả, thì làm sao Viên có thể dám bước đi theo con đường ca hát, dù cho đó có là giấc mơ của Viên. “Chàng chăn dê” đã nói với tất cả những chân thành. Viên cũng thấy mình may mắn, khi được gặp ca sỹ thần tượng của mình và nhận được những sự động viên, khích lệ từ ca sỹ Quang Lê.

Tôi hỏi Viên về nỗi nhớ quê nhà, Viên nói rằng, hẳn rằng chị cũng thấy chứ, trong mỗi lời em hát, đều có những sâu nặng hướng về phía quê mình. Nơi ấy, có mái nhà của em, có cha mẹ, có chị của em, có những gì làm nên máu thịt em ngày hôm nay. Em vẫn mong được trở về, hát trên quê hương cho những người dân một nắng hai sương trên đồng sắn, đồng mía quê em. Em luôn nhìn thấy nụ cưới lấp lánh mồ hôi của cha mẹ em ở nơi ấy.

Và tôi, đã hình dung, mỗi đêm trên đường phố Sài Gòn, Thành Viên trở về trên chiếc xe máy cà tàng. Mùi phấn sáp bay đi theo gió. Những lấp lánh đã để lại sau cánh gà sân khấu. Khi đối diện với cái bóng trên vách tường nhà, thì anh chàng chăn dê ấy lại được thổn thức với nỗi nhớ, niềm thương và cả với những giấc mơ của mình. Mong sao, Thành Viên, chàng trai đến từ vùng núi rừng Nghĩa Đàn ấy sẽ chạm tới giấc mơ ca hát chuyên nghiệp, và luôn được nhớ đến với sự ngọt ngào, sâu lắng, dung dị từ công chúng yêu nhạc.

Theo Baonghean.vn