Cầm đầu là Trần Thị Lệ Oanh (SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Du học, Du lịch Châu Đại Dương, trụ sở tại quận Phú Nhuận) và Nguyễn Thị Mỹ Phượng (SN 1990, cùng ngụ tại quận Tân Bình) bị đề nghị truy tố về tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” và “sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.
Trần Thị Lệ Oanh (trái) và Nguyễn Thị Mỹ Phượng |
Nhóm đối tượng chuyên làm giả con dấu và giấy tờ, tài liệu các loại (từ trái qua phải) gồm: Lê Văn Đại, Nguyễn Văn Tiến và Vũ Hồng Tiến |
Ba đối tượng còn lại gồm: Vũ Hồng Tiến (SN 1979), Nguyễn Văn Tiến (SN 1990) và Lê Văn Đại (SN 1987, cùng ngụ tại quận Tân Bình) bị đề nghị truy tố về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo kết luận điều tra, đường dây do Oanh cầm đầu đã dùng những thủ đoạn tinh vi, làm giả giấy tờ để qua mặt Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM. Thông qua đường dây của Oanh, đơn vị này đã cấp thị thực nhập cảnh vào Úc cho 28 người theo diện du lịch, du học.
Tuy nhiên thực tế có 20 người xuất cảnh thông qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; còn 8 người không xuất cảnh. Khi hết hạn thị thực có 10 người đã xuất cảnh khỏi Úc về lại Việt Nam. 10 người còn lại đang cư trú trái phép ở Úc.
Oanh lấy danh nghĩa Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Du học, Du lịch Châu Đại Dương, dùng giấy tờ giả để xin thị thực nhập cảnh vào Úc cho hàng loạt người.
Nguyễn Thị Mỹ Phượng có vai trò cung cấp cho Oanh nhiều loại giấy tờ giả như: bảng sao kê giao dịch tài khoản của các ngân hàng; giấy xác nhận tạm trú của Công an phường 10, quận 10 và của Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân; các bảng sao y CMND, hộ khẩu của các UBND xã, phường ở TP.HCM…
Phượng biết rõ hành vi của Oanh nhưng vì hám lợi, được trả công hậu hĩnh nên tham gia góp sức, cung cấp các loại giấy tờ giả. Phượng thuê Lê Văn Đại và một số đối tượng khác làm giả các bảng sao kê giao dịch tài khoản của các ngân hàng, với giá 2 triệu đồng/tờ.
Đại nhận thông tin từ Phượng làm giấy tờ giả theo yêu cầu, rồi nhờ Nguyễn Văn Tiến làm ra các con dấu giả để đóng xác thực vào các tài liệu đó.
Cơ quan điều tra xác định, Tiến một mình làm ra hàng trăm con dấu giả ngay tại nơi ở là căn hộ chung cư ở quận Bình Tân.
Khi khám phá đường dây, Công an khám xét nơi ở của Lê Văn Đại và Nguyễn Văn Tiến, thu giữ 234 con dấu giả các loại.
Ngoài nhánh của Phượng, thì Oanh còn thuê Vũ Hồng Tiến giúp sức đắc lực trong việc làm các loại giấy tờ, tài liệu giả. Tiến còn tìm đầu mối mua 89 con dấu giả của các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề, bệnh viện… nhằm xác thực vào các loại giấy tờ giả.
Oanh và Phượng đã công khai đăng tải trên các trang mạng xã hội, quảng cáo rộng khắp trên internet để tìm nguồn khách. Mỗi trường hợp như thế, họ nhận phí dịch vụ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Ngăn chặn đưa người xuất cảnh trái phép
Trong vụ án khác, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM hiện đang mở rộng điều tra về đường dây tổ chức cho người Việt Nam trốn đi Mỹ.
Vụ việc này xuất phát từ chuyện cơ quan chức năng Mỹ phát hiện 2 người Việt Nam nhập cảnh trái phép và đã tiến hành trục xuất về Việt Nam.
Khi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an tiếp nhận thông tin đã vào cuộc xác minh, điều tra và bước đầu làm rõ về đường dây đưa người Việt trốn sang Mỹ.
Từ sự đồng ý của Bộ Công an và Viện KSND tối cao, mới đây Cục quản lý Xuất nhập cảnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài"; đồng thời chuyển vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng có liên quan.
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho hay, trong thời gian tới, sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan, công an các địa phương tiếp tục, quyết liệt triển khai chỉ đạo của Bộ Công an về đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người xuất cảnh trái phép và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Giám đốc Công an TP.HCM giao chỉ tiêu đặc biệt đợt cao điểm trấn áp tội phạm
Chiều 29/9 tại trụ sở, Công an TP.HCM đã tổ chức lễ ra quân cao điểm triển khai đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Linh An