Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Toàn cảnh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. (Nguồn: TTXVN)

Xin Thứ trưởng cho biết về sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế?

Những thành tựu trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế thời gian qua đã thể hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế. Vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế mong muốn và sẵn sàng ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.

Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế trước hết là nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 về hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức trong cả nước.

Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 và thay thế cho Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Hơn 10 năm qua, Pháp lệnh này đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trên nhiều kênh, nhiều lĩnh vực với nhiều đối tác nước ngoài khác nhau.

Việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế thời gian qua đã thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các cấp, các ngành, các tổ chức của Việt Nam với các đối tác nước ngoài, góp phần không chỉ thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế mà còn góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp như bảo vệ chủ quyền biển đảo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, qua đó tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội, trong đó có xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Pháp lệnh 2007 cũng cho thấy một số bất cập do có những vấn đề phát sinh hoặc do thay đổi quy định pháp luật có liên quan, đặt ra yêu cầu hoàn thiện quy định về thỏa thuận quốc tế.

Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung mới của Luật Thỏa thuận quốc tế là gì?

Luật Thỏa thuận quốc tế ra đời được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh năm 2007, thông qua việc quy phạm hoá 4 chính sách, cụ thể là: quy định rõ nội dung, tính chất của thỏa thuận quốc tế theo hướng phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, giao dịch về dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư, từ đó xác định quy định pháp luật được áp dụng với các loại thỏa thuận khác nhau; mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế phù hợp với chủ trương, nhu cầu và thực tiễn hợp tác quốc tế; xác định rõ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với công tác ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế; đơn giản hóa trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều với một số nội dung mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thứ nhất, Luật mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế so với Pháp lệnh 2007. Nếu Pháp lệnh chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh đến các cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức thì Luật đã mở rộng phạm vi chủ thể ký kết đến tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Việc ký kết các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ không phải là điều ước quốc tế theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Thứ hai, do Luật Thỏa thuận quốc tế mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ (cũng là chủ thể ký kết điều ước quốc tế) nên Luật đã bổ sung điều khoản quy định rõ tính chất của thỏa thuận quốc tế để phân biệt với điều ước quốc tế và với các hợp đồng, thỏa thuận về giao dịch dân sự, kinh tế, tài chính, đầu tư.

Thứ ba, Luật có một chương mới quy định về trình tự, thủ tục rút gọn với những tiêu chí, điều kiện cụ thể để áp dụng trong trường hợp cần xử lý gấp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại, cứu trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Thứ tư, Luật bổ sung một số điều khoản về thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh nhiều cơ quan, tổ chức; thỏa thuận quốc tế liên quan đến quốc phòng, an ninh, đầu tư, trong đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với nhóm thỏa thuận quốc tế loại này.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. (Ảnh: Tuấn Anh)
Ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban soạn thảo Luật Thoả thuận quốc tế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Một số ý kiến lo ngại về việc mở rộng phạm vi chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật, đề nghị Thứ trưởng cho biết lý do mở rộng chủ thể ký kết đến cấp xã cũng như cơ chế quản lý nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả của thỏa thuận quốc tế ở cấp xã.

Hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, đơn vị tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, việc mở rộng chủ thể ký kết cần được cân nhắc thận trọng là lẽ đương nhiên. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Chính phủ cũng thảo luận, cân nhắc kỹ vấn đề này. Mặt khác, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế về nhu cầu và hiệu quả của việc ký kết và thực hiện các văn bản này.

Thực tế, việc triển khai ký kết văn bản hợp tác quốc tế được thực hiện ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc ký kết của các xã biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Điều khó khăn khi xây dựng Luật này là phải làm thế nào để thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nâng cao chất lượng công tác thỏa thuận quốc tế bằng cách đưa các loại thỏa thuận quốc tế này vào Luật để tạo cơ sở quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp xã và để đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, Luật đã quy định chỉ mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm yêu cầu về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, Luật đã giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế của UBND cấp xã ở khu vực biên giới.

Quá trình xây dựng thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới cũng phải tuân thủ trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về vấn đề này.

Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực sau hơn 6 tháng nữa. Xin đồng chí cho biết Chính phủ, Bộ Ngoại giao cần làm gì để tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật được đồng bộ, hiệu quả ?

Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021. Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới và cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về vấn đề này, trình Chính phủ ban hành kịp thời để thực hiện cùng thời điểm với ngày Luật Thỏa thuận quốc tế bắt đầu có hiệu lực. Từ nay đến tháng 7/2021 thời gian còn lại không nhiều song Bộ Ngoại giao sẽ cố gắng làm việc khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương và kế thừa kết quả nghiên cứu đã có trong quá trình xây dựng Luật để hoàn thành xây dựng Nghị định đảm bảo thời hạn và chất lượng tốt nhất.

Ngoài ra, đối với các thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng sẽ xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện các loại thỏa thuận quốc tế này trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế đã quy định trong Luật. Ở đây cũng cần nói thêm rằng, các thông tư này sẽ chỉ áp dụng đối với việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong lực lượng Quân đội và lực lượng Công an. Việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn sẽ thực hiện theo quy định của Luật này.

Về phía Bộ Ngoại giao, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thỏa thuận quốc tế, thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn trình tự ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế phục vụ nhu cầu của các cơ quan, tổ chức trong cả nước, nhất là các cơ quan, tổ chức lần đầu tiên được Luật cho phép ký kết thỏa thuận quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng​​​​​!

Theo Báo Thế giới và Việt Nam