- Chiều nay 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) – ngôi trường cũ của mình nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và kỷ niệm 55 năm thành lập trường.
Bày tỏ xúc động trở về thăm ngôi trường đã từng học tập trong 3 năm THPT, Thủ tướng (học sinh khóa VIII của Trường THPT Đa Phúc) cho biết, những tình cảm sâu đậm, những tình cảm đẹp đẽ trong thời gian học tập ở trường không bao giờ phai mờ trong cuộc đời ông và các học sinh khác.
“Đặc biệt hôm nay, tôi vui mừng được gặp lại các thầy cô giáo đã trực tiếp dạy các thế hệ học sinh chúng tôi ở những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, như thầy Nguyễn Minh Tộ- hiệu trưởng đầu tiên của trường; thầy Nguyễn Bá Trường, thầy Dương Đình Thọ và nhiều thầy cô khác”.
Thủ tướng thăm hỏi các thầy cô giáo của Trường THPT Đa Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các thầy cô giáo Trường THPT Đa Phúc nói riêng và các thầy cô giáo khắp mọi miền Tổ quốc lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Với tư cách là cựu học sinh của trường, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi chân thành, lời chúc sức khỏe tới các thầy cô giáo cũ.
Thủ tướng cho biết, 55 năm trước, Trường THPT Đa Phúc được thành lập, không chỉ là nơi thắp sáng và nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng, mở rộng tri thức, phát triển tài năng dành cho con em nhân dân huyện Sóc Sơn, mà còn cho những học sinh miền Nam tập kết trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ.
Hơn nửa thế kỷ qua, trường đã không ngừng phát triển, đào tạo hàng vạn học sinh, trong đó nhiều người đã trở thành các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan cao cấp, lực lượng vũ trang. Đặc biệt, gần 100 thầy và trò của trường lên đường và hy sinh vì Tổ quốc.
Luôn quan tâm theo dõi từng bước phát triển của nhà trường, Thủ tướng bày tỏ vui mừng được biết chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng cao.
Theo Thủ tướng, những thành tích là kết tinh từ sự nỗ lực, chung tay của các thế hệ thầy và trò nhà trường, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục Thành phố và cả nước.
“Từ đáy lòng mình, tôi luôn tự hào về mái trường thân yêu, biết ơn các thầy cô giáo năm xưa đã dành tất cả tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết, rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, lý tưởng, nuôi dưỡng tâm hồn, khát vọng và truyền dạy kiến thức cho bao lớp thế hệ học sinh trong đó có tôi”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng tặng quà cho các giáo viên nhà trường nhân dịp 20/11. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng nhân dịp này, thay mặt những học sinh miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc học tập, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn đến Đảng, Bác Hồ và Nhà nước, nhân dân các địa phương miền Bắc, các thầy cô giáo và bạn bè đã tạo mọi điều kiện cưu mang, giúp đỡ.
“Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn của miền Bắc lúc bấy giờ, những năm chống Mỹ cứu nước, các thầy cô, bạn bè và nhân dân luôn nhường cơm sẻ áo để chúng tôi được đến trường hàng ngày, kể cả ở những nơi sơ tán” Thủ tướng chia sẻ.
Kháng chiến ở miền Nam ác liệt và gian khổ, miền Nam vẫn kiên cường chiến đấu nhưng Đảng, Bác Hồ vẫn đưa một bộ phận con em gia đình liệt sĩ ra Bắc để đào tạo lâu dài. Theo Thủ tướng, tầm nhìn xa ấy là bài học kinh nghiệm cho giáo dục ngày nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với kỷ nguyên số, trong đó tri thức và sáng tạo là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh, khả năng cạnh tranh và vị thế của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, giáo dục và đào tạo lại càng phải được coi trọng. Giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội bền vững lâu dài.
Trên tinh thần đổi mới giáo dục, phát huy truyền thống tốt đẹp, Thủ tướng mong Trường THPT Đa Phúc nói riêng cùng hệ thống các trường phổ thông trong cả nước nói chung ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu không ngừng, thi đua dạy tốt, học tốt.
Coi học sinh là trung tâm của quá trình giáo dục, nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh, đặc biệt, phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, chú trọng quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức công dân, tôn trọng pháp luật, hình thành phẩm chất và năng lực, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm xã hội. Tích cực đổi mới các hình thức sinh hoạt ngoài giờ, lên lớp, kết hợp thật tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội để quản lý giáo dục học sinh có hiệu quả. Thu hút học sinh vào các hoạt động lành mạnh, hữu ích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường THPT Đa Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhớ lại kỷ niệm khi học ở Trường THPT Đa Phúc, tuy là học sinh nhưng đã được nhà trường cử làm bí thư đoàn trường, Thủ tướng bày tỏ, từ kinh nghiệm hoạt động Đoàn, ông mong đoàn thanh niên nhà trường tiếp nối truyền thống, tổ chức thực hiện các phong trào và hoạt động thanh niên phong phú, bổ ích, thiết thực.
Thủ tướng mong các thầy cô giáo trong cả nước tiếp tục phát huy thành tích đạt được, nâng lên niềm tự hào nghề nghiệp, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp trồng người, đào tạo nên các thế hệ học sinh phát triển toàn diện. Mỗi thầy cô giáo nêu cao tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, thi đua dạy tốt, nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên rèn luyện đạo đức nghề nghiệp với vai trò quan trọng không chỉ trong giáo dục kiến thức, kỹ năng, mà còn trong hình thành phát triển nhân cách. Mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, lối sống.
Theo Thủ tướng, đất nước có bước phát triển, đời sống của thầy cô giáo được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn những bộ phận giáo viên, những vùng còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới hải đảo. Chính phủ và các bộ ngành của Trung ương, các địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện và làm hết sức mình để các thầy cô có điều kiện làm việc tốt hơn, yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Trường THPT Đa Phúc.
Thanh Hùng
Thủ tướng: “Tốt nghiệp đại học 42 năm, tôi vẫn nhớ từng thầy một”
Dịp 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mình đã tốt nghiệp đại học 42 năm nhưng vẫn nhớ từng thầy một, thậm chí vẫn nhớ từng chữ ký của từng thầy cô trong học bạ.
“Tôi không muốn nghe những lời não nùng, ai oán và cảm thương nhà giáo”
Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tới các giáo viên, đồng nghiệp tại lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra sáng ngày 20/11.