Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong quá trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy giá trị của các di sản văn hóa được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, tạo ra sự phát triển bền vững của đô thị di sản, đạt nhiều kết quả quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, tỉnh đã tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, văn hoá Huế được phát huy.
Chủ trương chung của tỉnh là tăng cường sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển du lịch. Từ đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, dự án, đề án cụ thể nhằm xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề…
Bên cạnh việc đa dạng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế, chính quyền địa phương và ngành du lịch tập trung hoàn thiện và định vị thương hiệu du lịch văn hóa di sản trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch Huế.
Ngành du lịch đã phối hợp các sở, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, lễ hội. Công tác nghiên cứu, phục dựng các lễ hội được làm rất bài bản.
Các chương trình phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, thể dục thể thao… để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa và con người Huế đến với du khách, tạo thêm trải nghiệm và hấp dẫn khách du lịch.
Theo ông Trương Thành Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, ngành du lịch tỉnh đã, đang tiếp tục lồng ghép, giới thiệu, quảng bá hình ảnh di sản Huế đến với đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước thông qua các kênh truyền thông, hội chợ du lịch, các sự kiện văn hóa quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, di sản Huế đến với các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực di sản văn hóa, du lịch dịch vụ.
Tỉnh cũng nỗ lực thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy ngày 24/5/2021 về Xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 “cán đích”.
Phấn đấu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế có 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao. Ngành du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách.
Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững. Đây cũng là những giải pháp mang tính chiến lược để phát triển du lịch Cố đô.
Nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch trên sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang, tỉnh triển khai dự án đầu tư xây mới, nâng cấp 7 bến thuyền kết nối với các điểm du lịch cộng đồng.
Về phát triển du lịch biển, tuyến đường ven biển đã được quy hoạch và đầu tư trên cơ sở xây dựng mới kết hợp nâng cấp mở rộng một số phân đoạn của Quốc lộ 49B đạt chuẩn đường đô thị 4 đến 6 làn xe. Điểm nhấn là cầu bắc qua cửa biển Thuận An, được xây dựng nhằm kết nối khu vực ven biển và đầm phá của tỉnh.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống khẳng định được thương hiệu và thế mạnh của du lịch Huế là văn hóa di sản thì Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực khai thác các sản phẩm mới phù hợp với xu thế, trong đó có các sản phẩm du lịch golf, du lịch check-in, du lịch mua sắm…
Ngành du lịch phối hợp với các huyện, thị triển khai khảo sát, đánh giá về chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng và dịch vụ bổ trợ tại các điểm đến để có định hướng khai thác, quảng bá. Một số tour du lịch tại các địa phương sẽ được triển khai nâng cấp và hoàn thiện, phù hợp với xu hướng du lịch của du khách.
Diệu Bình