Không lấy những từ ghép mỹ miều mà dùng những cái tên mộc mạc, bình dân đặt cho quán hàng của mình kiểu như “Bún cô Đông”, “Phở bà Già”, “Xôi Yến”, “Lạc rang bà Vân”..., là cách mà không ít các bà, các cô, các chị dùng để làm “thương hiệu” trong kinh doanh ăn uống, quà vặt thậm chí chỉ là quán nước vỉa hè.
Nôm na những cái tên
Một đoạn phố Bà Triệu nổi tiếng với món lạc rang húng lìu, được gắn những tấm biển đơn sơ, nào là: “Lạc rang bà Vân”, hiệu “Bà Kim Quy” rồi cả “Bà Vân béo”, “Bà Vân chính hiệu”...
Chủ cửa hàng ở 176 Bà Triệu là bà Vân, người được cho là mang nghề về khu phố này từ hơn 40 chục năm qua. Suốt những năm tháng bán hàng, bà luôn được sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng. Đến nỗi khách quen đến đây không gặp bà thì nhất định không mua ở những cửa hàng khác. Họ sẽ vào nhà tìm, đứng đợi hoặc để lúc khác chạy qua mua đúng hàng bà.
Bà Vân cho biết, muốn làm được nghề thì phải khéo tay, biết cách chọn lạc và học được cách tẩm ướp sao cho hợp lý. Trong khi rang cũng phải cẩn thận, cầu kỳ nếu không sẽ hỏng cả mẻ rang. Nếu bán ra ngoài, khách chê sẽ mất uy tín, mà với bà, một người đang tích cực truyền nghề cho con và các cháu thì việc gìn giữ uy tín và thương hiệu vô cùng quan trọng.
Đối diện trường Học viện Tài chính có quán chè hiệu “Bà Già” đã hấp dẫn không biết bao nhiêu lớp sinh viên của các trường trong khu vực. Sinh viên đến đây sẽ rất hài lòng với cách phục vụ của một bà già nhỏ nhắn và phần quan trọng nữa là các loại đồ ăn như chè thập cẩm, chè đậu đen, chè đậu đỏ… rất ngon. Một sinh viên chia sẻ: “Chúng em “mê” quán này và khi đến đây thường ăn đúp hai cốc, chứ chẳng chịu ăn một! Giá cả ở đây bà lấy lại phải chăng, phù hợp với sinh viên nên lúc nào cũng đông”.
Phố Hòe Nhai có một cửa hàng bún ốc từng làm nức lòng nhiều thực khách, đến nỗi có những vị khách trung thành với quán vài chục năm. Chủ cửa hàng tên thật là Yến, xưa cha mẹ chị cũng sống bằng nghề bán bún thang, miến lươn và đến cô “phát huy” món bún ốc.
Khi được hỏi, tại sao chị không lấy một cái tên nào đó hay hơn mà lại trưng biển “Bún cô Béo”?. Chị Yến tâm sự: “Thú thực, cũng tại tôi quá béo và khi bán hàng tôi là người vui tính, có thể làm cho khách cười… vỡ bụng. Tôi lấy tên cửa hàng như vậy cho dễ nhớ, lại ngộ nghĩnh và đó cũng là cách thu hút khách”.
Trên “phố ẩm thực” Tống Duy Tân có quán cơm đảo, gà rang của “Bà Béo” cũng rất đông khách. Nghe khách nói, bà Béo có bí quyết làm nghề không ai có thể bắt chước, vì thế khách đến với bà dù là người khó tính nhất cũng được hài lòng. Bản thân “Bà Béo” cũng thừa nhận, mình có bí quyết là luôn nhiệt tình với khách và quan trọng hơn là phải giỏi nghề để phục vụ cho khách những bữa ăn đơn giản mà ngon.
Ở Hà Nội, rải rác nơi những con phố, những con ngõ sâu, thậm chí là những ngôi làng tưởng như lọt thỏm trong một thế giới khác đang có những người phụ nữ dùng cái tên nôm na làm thương hiệu cho quán hàng của mình, được thể hiện ngay trên những tấm biển quảng cáo. Ví như ở phường Quan Nhân có quán phở “Bà Mai béo”; khu vực Nghĩa Tân có quán “Bún ngan cô Đông”; phố Nguyễn Hữu Huân có quán “Xôi em Yến”; phố Hàng Gà có quán “Lòng rán Bà Hoa Béo”, khu Nhổn có quán “Canh cá u Phúc”…
Tất cả làm nên bức tranh ẩm thực sinh động cho phố phường Hà Nội. Theo thời gian, những cái tên nôm na đó được sinh ra ngày càng nhiều, như một chiêu thu hút khách và cũng giúp nhiều chủ cửa hàng ăn nên làm ra.
Giữ gìn thương hiệu
Trước những biến động của cuộc sống, sự ganh đua của tạp nham các quán hàng, bất cứ cửa hàng của các bà, các cô, các chị nào cũng phải cạnh tranh để tồn tại. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng đã thể hiện đạo lý trong công việc kinh doanh và luôn tìm cách bảo vệ thương hiệu của mình bằng cách nâng cao chất lượng phục vụ cũng như chất lượng món ăn.
Bà Kim Quy, chủ cửa hàng lạc rang húng lìu “Bà Kim Quy” trên phố Bà Triệu cho biết: “Gia đình tôi có cả thảy tám người làm nghề, nói chung đây là nghề gia công và sản phẩm của chúng tôi đã xuất đi nhiều tỉnh thành, hàng ra đến đâu hết đến đó. Tôi cũng luôn dặn các con, cháu phải đặt tiêu chí chất lượng, sạch sẽ lên hàng đầu để làm khách mua lần đầu thì lại đến những lần sau”.
Chị Yến, chủ cửa hàng “Bún cô Béo” cũng khẳng định, khi đã có uy tín và thương hiệu thì cửa hàng đó như có một thỏi nam châm khổng lồ, rất hút khách, thậm chí khách cách xa nhiều cây số cũng tìm đến.
“Tôi bán hàng nhiều năm, luôn lấy tiếng cười để khuyến mãi cho khách nhưng quan trọng hơn là cái chất của bát bún ốc tôi làm. Nhiều khách quen đến cứ nói vui, họ bảo không biết tôi cho cái gì vào mà ăn ngon thế, mới ăn hôm trước hôm sau đã thèm”.
Phải nói rằng, người dân ở Hà Nội sành ăn. Dù là món ăn bình dân cũng phải ngon. Từ hàng trăm năm qua ở Hà Nội đã hình thành văn hóa ẩm thực, có phong cách: tinh tế, lịch lãm, thanh cảnh, ăn lấy chất chứ không lấy lượng. Bởi thế, nếu hàng quán không làm ăn tử tế, phục vụ không chu đáo thì khách bỏ đi không bao giờ quay lại, chủ hàng chỉ còn mỗi nước là… dẹp đi làm việc khác.
Thật chẳng may cho những vị khách vào một quán phở mà nước nhạt nhẽo, nguội lạnh, không khí thì ảm đạm, thịt thái dọc thớ, gia vị thiếu, đũa lại mốc, giấy ăn bị mủn… thì quả là mất đi một buổi sáng khởi hành vui vẻ hoặc một đêm khuya đầy hứa hẹn, đồng thời sẽ đeo cái bực mình ấy mãi bên người.
Chị Châu Minh, một thực khách rất thích phở và sành phở cho biết, chị khá kỹ tính trong khi chọn hàng ăn. Hàng nào “chiều” được chị, ở đó phải có một đầu bếp khéo tay, khéo từ cách chan nước cho đến cách thái rau thơm. Đầu bếp đó phải là người cầm quân bếp núc tài ba, làm cho bếp có sức sống, có hương thơm, bừng lên cả trái tim của người làm ẩm thực.
Văn hóa ẩm thực đã làm nên cốt cách của Hà thành, tạo nên vẻ đẹp nhiều màu sắc cho mảnh đất thủ đô. Dẫu vậy, không ít chủ hàng vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua giá trị đạo đức trong kinh doanh, gây nên nỗi ám ảnh về tình trạng “thức ăn bẩn”, hàng quán mất vệ sinh.
Nhiều người phụ nữ làm chủ cửa hàng ăn uống, đang gìn giữ uy tín và đạo đức kinh doanh cũng phải đối mặt với thách thức về giá cả, tuy nhiên họ đều muốn “giấy rách phải giữ lấy lề”. Và như thế, người dân ở Hà Nội vẫn còn có cơ hội tìm đến những địa chỉ uy tín để thưởng thức những món ăn, thức quà ngon.
(Theo Phapluat)