- Dù không thể nghe song các học sinh khiếm thính vẫn có thể cùng nhau trình diễn một tiết mục văn nghệ đúng theo điệu nhạc nhờ sự hướng dẫn bằng những ngôn ngữ ký hiệu của thầy giáo dưới khán đài.

Nếu không nói hẳn không nhiều người khó có thể nhận ra tiết mục văn nghệ này do các học sinh kém may mắn của Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) thực hiện. Bởi xuyên suốt tiết mục, các em thay đổi động tác chuẩn theo từng đoạn nhạc.

{keywords}

Thầy Vũ Quang Thành, Tổng phụ trách đội của trường nhiều năm liền hướng dẫn học sinh chuẩn bị các tiết mục văn nghệ.

{keywords}

Với các học sinh bình thường thì việc thực hiện được những tiết mục như thế này không quá khó khăn, song để có thể hướng dẫn các em học sinh khiếm thính từng động tác là công việc chẳng hề dễ dàng.

{keywords}

Thầy Vũ Quang Thành, Tổng phụ trách đội của trường là người nhiều năm hướng dẫn học sinh chuẩn bị các tiết mục văn nghệ cho biết, đây là các em bị câm điếc bẩm sinh và không thể nghe và nói. 

{keywords}

Vì vậy, trước khi hướng dẫn, thầy phải cho các em xem clip múa về bài hát này. Sau đó thầy cùng các học sinh tự lên các động tác và cùng nhau luyện tập trong nhiều buổi. Và hôm nay là một buổi tập như vậy.

{keywords}
Các em học sinh khiếm thính trao đổi với nhau để có tiết mục tốt hơn bằng ngôn ngữ ký hiệu hằng ngày.

Buổi diễn tập này chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ vào ngày 18/4 tới đây để kỷ niệm ngày Chăm sóc người khuyết tật Việt Nam với mong muốn của nhà trường là để tạo niềm vui cho các cháu.

{keywords}

Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn chia sẻ: “Không trực tiếp hướng dẫn các con luyện tập từng động tác nhưng sau khi xem các con diễn, tôi vừa vui mừng vừa xúc động. Đây là buổi tập nên các động tác chưa được nhuần nhuyễn lắm, có những chỗ còn vụng về nhưng thực sự tôi càng cảm thấy thương các con vì điều đó”.

Thầy Hoan cho biết thực ra nhạc ca khúc "Nơi đảo xa" chỉ dành cho khán giả còn các em thì không hề nghe thấy và chỉ múa trong yên lặng.

{keywords}

Đây là những học sinh lớp 7, 8 và 9. Ở đây, từ lớp 1 đến lớp 4, trẻ phải học mỗi lớp trong 2 năm. “Chính vì vậy, học sinh từ cấp 2 học sinh sẽ hơn các các học sinh thường 4 tuổi. Học sinh lớp 9 là 19 tuổi, chưa kể các cháu khó khăn hơn nữa thì phải 20-21 tuổi”, thầy Hoan nói.

{keywords}

Theo thầy Hoan, dù khiếm khuyết nhưng đổi lại các học sinh của thầy lại rất thông minh và tiếp thu nhanh.

{keywords}

“Ngày hôm đó, các em học sinh bình thường sẽ có những tiết mục văn nghệ để tặng cho các bạn khiếm khuyết. Tiết mục này như là một tiết mục đặc biệt của các bạn khiếm khuyết đáp lại tình cảm nhận được. Qua đây để thấy các em khuyết tật hoàn toàn có thể tạo nên những tiết mục đặc sắc và gây xúc cảm cho người xem”, thầy Hoan xúc động.

{keywords}

Hôm biểu diễn chính thức, thầy Thành cũng sẽ đứng ở dưới khán đài để hỗ trợ cho các em và thầy Hoan tin chỉ cần những động tác nhỏ thì học sinh của thầy đã có thể hiểu được và có một tiết mục ý nghĩa, ấn tượng.

{keywords}
Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn luôn động viên các học trò kém may mắn của mình trong từng hoạt động.

Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn là trường chuyên biệt với nhiệm vụ chính là giáo dục cho trẻ câm điếc được học tri thức, rèn luyện nề nếp, giáo dục hòa nhập với cộng đồng.

{keywords}
Các em học sinh Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn hồn nhiên trong trang phục lính biển.

Trường hiện có 27 lớp học, trong đó 8 lớp THCS (4 lớp học sinh thường và 4 lớp học sinh khuyết tật), 16 lớp tiểu học (5 lớp trẻ thường và 11 lớp trẻ khuyết tật) và 3 lớp mầm non. Mỗi lớp có từ 3 đến 20 học sinh khuyết tật.

Thanh Hùng