Ứng dụng TikTok đang trở thành mục tiêu xử lý của chính quyền Mỹ với những cáo buộc về thu thập dữ liệu và hoạt động gián điệp cho phía Trung Quốc. Ngược lại TikTok cũng đang cố gắng hết sức để thuyết phục các nhà lập pháp và chính quyền Mỹ rằng họ không liên quan đến Trung Quốc.
Một năm trước TikTok hầu như chưa có sự hiện diện ở Mỹ, nhưng nay theo New York Times, nền tảng mạng xã hội video ngắn này đã tuyển một “đội quân” gồm hơn 35 người chuyên vận động hành lang, trong đó có cả người quen biết sâu sắc với Tổng thống Donald Trump.
Trong 3 tháng qua, những người vận động hành lang thay mặt TikTok đã tổ chức ít nhất 50 cuộc họp với các thành viên quốc hội, bao gồm cả thành viên trong những ủy ban hàng đầu về thương mại, tư pháp và tình báo.
Bài thuyết trình trong các cuộc họp đó cho thấy TikTok không hoạt động ở Trung Quốc và hầu hết các nhà lãnh đạo hàng đầu đều sống ở Mỹ và là công dân Mỹ. Chẳng hạn, Kevin Mayer, giám đốc điều hành mới của TikTok là cựu giám đốc của Disney, sống ở Los Angeles.
TikTok tổ chức chiến dịch thanh minh rầm rộ |
Ông Michael Beckerman, Phó Chủ tịch TikTok chia sẻ: “Hiện có rất nhiều thông tin sai lệch về TikTok. Trong khi đó TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, với hàng trăm nhân viên và lãnh đạo chủ chốt về an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách cộng đồng sống tại Mỹ”.
Bản thân Michael Beckerman cũng là một người vận động hành lang khi ông từng là trợ lý cho Quốc hội phía Đảng Cộng hòa. Beckerman tuyển vào toàn những người vận động thân quen với giới lãnh đạo Mỹ.
ByteDance, công ty chủ quản của TikTok cũng phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc. ByteDance nhấn mạnh TikTok không có ở Trung Quốc, thay vào đó họ cung cấp một ứng dụng tương tự có tên Douyin.
Được biết trong 3 tháng đầu năm 2020, ByteDance đã chi ra 300.000 USD cho chiến dịch vận động hành lang của mình.
Mặc dù vậy, kết quả chiến dịch vận động hành lang còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông Donald Trump và các cố vấn hàng đầu của ông đã ngày càng tập trung vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE và TikTok, với quan điểm các công ty đó đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, đã gọi giám đốc điều hành mới của TikTok là "con rối người Mỹ" trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business vào Chủ nhật. Ông cho biết chính quyền sẽ có hành động mạnh mẽ đối với các công ty và ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc khác.
Phát biểu với các phóng viên mới đây, vị trợ lý Nhà Trắng, Mark Meadows cho biết chính quyền đang cân nhắc rủi ro an ninh quốc gia, liên quan đến TikTok, WeChat và các ứng dụng khác. “Tôi không nghĩ là có bất kỳ thời hạn nào, nhưng chúng ta có thể quyết định trong một vài tuần, chứ không cần đến vài tháng”, vị trợ lý này nói.
Anh Hào (Theo New York Times)
'Nữ hoàng TikTok' 71 triệu fan, hàng trăm nghìn lời sỉ nhục mỗi ngày
Nổi tiếng trên TikTok, Charli D'Amelio phải đối mặt với hàng trăm nghìn bình luận tiêu cực, ảnh hưởng tinh thần và cuộc sống.