- Chia sẻ của người mẹ từng có suy nghĩ đã ốm đau phải tìm đến khám dịch vụ giờ đã quen với việc xếp hàng chờ khám theo tuyến của bảo hiểm y tế.
Mình đã từng đi khám dịch vụ ở bệnh viện và thấy rất buồn cười vì hóa ra chất lượng dịch vụ y tế không khác gì khám bảo hiểm.
Ảnh minh họa. Ảnh: VietNamNet. |
Chuyện là hồi trước bảo hiểm của mình còn ở BV Xanh-pôn (Hà Nội), khám bảo hiểm thì phải xếp hàng, thấy đông mình quá nên hãi. Mình được lời khuyên khám dịch vụ thì ra chỗ gần đó. Ra đó thì trời ơi, cũng phải xếp hàng lâu chẳng kém gì trong khu vực bảo hiểm, chỉ có điều ở chỗ đó trông sạch sẽ hơn thôi
Trừ khi sang hẳn một bệnh viện khác, chứ còn đã cùng trong một bệnh viện thì dù khám dịch vụ hay khám bảo hiểm thì vẫn được nhận một thái độ/ chất lượng phục vụ như nhau mà thôi.
Sinh con đầu lòng, mình cũng cầu kỳ như một số phụ huynh khác: ho hen vặt vãnh cũng đưa đến tận Bệnh viện Nhi TƯ. Xếp hàng muốn chết, mà khám vượt tuyến thì đương nhiên là khám dịch vụ rồi.
Thế là mình ngồi "tư duy" lại. Mình nghĩ, Bệnh viện Nhi trung ương chỉ để dành cho những ca khó, nguy cấp, còn ốm vặt thì bác sĩ nào mà chẳng chữa được. Thế là mình cứ BV đúng tuyến mà "giã". Từ khi đi học lớp 1, BV đúng tuyến của cháu là Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Về thái độ thì ở Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba đúng là không phải chê. Họ rất tử tế. Mình cảm kích sự tử tế của họ nên đã có đôi dòng trên Facebook như thế này:
1. Buổi sáng
Bác sĩ nha khoa là một người nói năng nhẹ nhàng, khám chữa bệnh tận tình, rất có kỹ năng đối thoại với trẻ con. Lem có tới 4 cái răng sâu, vì thế phải điều trị kéo dài. Hôm đầu tiên bác sĩ giải thích, với người lớn thì có thể xử lý trong một lần, nhưng trẻ con thì phải từ từ để phù hợp với ngưỡng chịu đựng của con.
Thành thử mỗi buổi chữa răng của Lem trôi qua khá nhẹ nhàng, êm dịu. Lem đến gặp bác sĩ ba lần, lần nào bác sĩ cũng đều tạo được mối quan hệ thân tình, khiến Lem rất hợp tác. Lem khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm, nên đến buổi cuối cùng mẹ cứ ngần ngại có nên “phong bì” cho bác sĩ không! Nhưng lại nghĩ, bác sĩ nha khoa chắc đời sống cũng không khó khăn, mà với một người làm việc tận tình nghiêm túc (và hình như rất yêu trẻ con) thế kia mình mà đưa “phong bì” thì có lẽ người ta sẽ cảm giác bị xúc phạm.
Thật ra trước khi đến khám buổi cuối cùng, mẹ cũng đã phân vân, hay mang theo một ít quà, nhưng rồi đi tay không vì không biết mua quà gì! Lúc bác sĩ hàn răng xong cho Lem, mẹ tranh thủ hỏi chuyện thì được biết chú có con nhỏ sắp đi học lớp 1. Rời bệnh viện mẹ rẽ vào hiệu sách, chọn mua một cuốn Pinocchio loại dày khổ to bìa cứng của Nhã Nam mới được xuất bản. Bác sĩ rất sửng sốt khi thấy mẹ cháu quay lại cùng với “quà”, và động thái đầu tiên là từ chối. Nhưng mẹ cháu đặt cuốn sách lên bàn rồi nói, cháu Thanh Hiên rất mến và tin cậy bác sĩ nên muốn nhờ bác sĩ đọc cho em 6 tuổi đang ở nhà nghe cuốn sách. Đến đây bác sĩ cười, một nụ cười rất rạng rỡ.
Bệnh viện Việt Nam -Cu Ba đấy, nằm ngay trung tâm HN (cách hồ Gươm dăm trăm mét). Tớ rất ngạc nhiên về cái bệnh viện này, vì cơ sở vật chất rất xập xệ nhưng thái độ làm việc của nhân viên y tế (cả bác sĩ, cả y tá) rất ổn. Bạn BS răng ở trên trông rất trẻ, tớ còn tưởng SV mới ra trường cơ. Nhưng qua ba lần tiếp xúc thì tớ nghĩ một người như vậy chắc chắn phải là bố trẻ con, hì hì hì, quả là tớ đúng. (13/3/2015)
Một lần khác, hồi tháng 10/2014 con gái mình lại phải nằm điều trị gần 10 ngày ở khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba vì viêm phế quản. Bác sĩ, y tá đều rất nhẹ nhàng, không cáu gắt, người nhà bệnh nhân hỏi gì thì giải thích rất tận tình khi khám thì rất kỹ. Mình ngạc nhiên với thái độ đó. Không ai đưa phong bì cho bác sĩ cả
Khi Lem khỏi ốm mấy ngày sau mình đã quay lại cùng với một túi trái cây để biếu bác sĩ, y tá ở đấy. Lúc đưa túi trái cây cho bác sĩ thì bác sĩ đang làm việc ngoài phòng khám. Vì thế bác sĩ bảo đưa vào trong khoa cho các cô. Lúc mình đưa vào trong khoa thì họ cũng nhận ra, chào hỏi - hỏi thăm tíu tít. Một cô y tá thấy mình nức nở khen họ liền hỉ hả lôi ra một cuốn kiểu như sổ nhận xét ấy đề nghị chị viết vào, nghĩa là họ cũng hồn nhiên lắm.
Có chi tiết mà mình cũng nhớ mãi đó là có một lần Lem uống thuốc xong thì nôn ra. Trong đám thuốc của con có kháng sinh, mà kháng sinh đó rất đắt, hình như hơn 100.000 đồng/lọ, mà một lọ uống 3 lần (1,5 ngày). Nhưng đã mua thì phải mua cả lọ chứ không được mua từng liều một trong khi đó con chỉ phải uống bù có 1 liều.
Thực ra giải pháp đơn giản nhất là người nhà bệnh nhân cứ vậy ra hiệu thuốc mua. Nhưng cô ấy chắc cũng thấy tội mình khi con phải uống bù một liều mà phải mua tới 3 liều vì 2 liều kia chắc chắn chỉ bỏ đi (kháng sinh phải uống theo chỉ định bác sĩ, nhất là kháng sinh nặng).
Cuối cùng cô ấy vào phía trong khu vực hành chính (chắc là để hỏi ý kiến bác sĩ). Sau đó trở ra thông báo là để chúng em sẽ "cân đối" để cho cháu uống bù liều khác.
Mình thấy nếu bác sĩ, y tá họ chịu "nghĩ" cho người bệnh chắc chắn họ sẽ có giải pháp cho người bệnh, để giúp người bệnh. Vấn đề là họ có chịu "nghĩ" hay không mà thôi”.
- Văn Chung (Ghi theo lời kể của nhà báo Quý Hiên, hiện đang làm việc tại báo Thanh Niên tại Hà Nội)