- "Với kinh nghiệm 15 năm làm báo online, tôi tin rằng, những người lãnh đạo trẻ, tâm huyết ở VietNamNet thừa sức tập hợp tinh hoa, kinh nghiệm để đào luyện những phóng viên đa phương tiện tốt nhất. Riêng tôi, với VietNamNet, dù không là “người yêu”, chúng ta mãi là “những người anh em”, nhé! Cố nhân!" - bài viết vừa 'trách móc', vừa đong đầy yêu thương của nhà báo Trần Duy nhân dịp VietNamNet tròn 15 tuổi.

F1

Có những lúc bạn sẽ cảm thấy hối tiếc về những gì mình đã làm trong quá khứ, nhưng nay bỗng dưng, những kỷ niệm từ thời còn làm ở VietNamNet hiện ra trong đầu như cuốn băng tua chậm…

Năm 2003, những sinh viên mới ra trường chúng tôi hăng hái nộp đơn thi tuyển vào tờ báo có cái tên “mới toanh” trong làng báo phía Nam - “VietNamNet”. 

Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, VietNamNet vận hành song song hai phiên bản: báo giấy (khổ báo tương tự như nhật báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ) và online ở địa chỉ www.vnn.vn (sau này đổi tên chính thức thành www.vietnamnet.vn).

Dự án “song kiếm hợp bích” bất thành, VietNamNet chuyển sang đầu tư hẳn cho báo điện tử.

Nhà báo Trần Duy (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp khi còn làm ở VietNamNet

Thời ấy, trụ sở của báo không cố định. Có lúc “tạm trú” tại Hội nhà báo TP.HCM (14 Alexandre de Rhodes, Q.1); lúc di dời sang một căn phòng nhỏ dùng chung với Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC trên đường Lê Duẩn, Q.1.

Sau này, văn phòng VietNamNet phía Nam “đóng đô” một thời gian khá dài ở số 12 B, C Phan Kế Bính, P.Đakao, Q.1 trước khi chuyển sang đường Trương Định, Q.3 (TP.HCM) như hiện tại.

Báo mới ra đời, lại đột phá vào lĩnh vực báo chí rất mới (báo “mạng”, báo điện tử) nên không chỉ thu hút những sinh viên mới ra trường đang tìm cho mình cơ hội nghề nghiệp mà còn lôi kéo rất nhiều những anh, chị làm báo kỳ cựu ở các tờ báo lớn ở TP.HCM.

Ngay cả những anh, chị đang du học ở nước ngoài, khi hay tin VietNamNet tuyển dụng cũng về nước nộp đơn thi tuyển.

Với hơn 200 hồ sơ được chọn lọc, chúng tôi được “ném” vào môi trường cạnh tranh, tác nghiệp khắc nghiệt để tiếp tục trải qua quá trình “thanh lọc”. Cuối cùng, 12 người chính thức được chọn.

Thời ấy, chúng tôi rất “sợ” khi được chú Nguyễn Văn Dũng (Phòng Hành chính VietNamNet, Hà Nội) gọi vào và trao cho túi quà có vài ba hộp sữa và một phong bì. Điều đó có nghĩa bạn phải “ra đi”.

Chúng tôi gồm: Đặng Vỹ, Hoài Bắc (Thái Thiện), Thanh Chung, Phan Công (Thái Công), Tấn Thuấn (Gia Khang), Võ Tiến, Việt Cường, Phạm Cường, Linh Trúc, Cam Lu (Âu Thanh Tâm), Nguyễn Sa… trở thành lứa phóng viên “F1” của văn phòng VietNamNet phía Nam.

Tình nghĩa

Báo mới “ra lò” ở thành phố được mệnh danh là “thị trường” báo chí nên không ít chuyện cười ra nước mắt.

Có phóng viên khi xưng danh “VietNamNet” để liên hệ làm việc với cơ quan thẩm quyền đã nhận được lời từ chối rất lịch sự: “Chúng tôi không có nhu cầu lắp đặt “internet”.

Nếu có ai hỏi điều gì đã làm nên “chất” của phóng viên Văn phòng VietNamNet phía Nam, theo tôi, đó là: “Máu lửa - Cống hiến - Tình nghĩa” và một chút “võ biền”.

Sau này, trong những cuộc “trà dư, tửu hậu”, chúng tôi vẫn thường nói và tự hào (với nhau) về điều này.

Tôi cũng thường thắc mắc: Tại sao có những anh, chị phóng viên, biên tập viên gắn bó “tuổi thanh xuân” với Văn phòng VietNamNet phía Nam cho đến hôm nay. “Tình nghĩa” - đó là câu trả lời khả dĩ tôi có thể nghĩ đến.

Tôi cũng vậy, cũng đã “lậm” chữ “Tình nghĩa” với Văn phòng VietNamNet phía Nam mãi đến cuối năm 2010.

Sau này, khi chuyển sang cơ quan khác, phải mất một thời gian khá dài, tôi mới có thể hòa nhập với môi trường mới.

Cùng với sự phát triển đi lên cũng như những bước thăng trầm của VietNamNet, chữ “Tình nghĩa” đôi lúc phôi phai, nhưng chúng tôi vẫn xem nhau như “những người anh em”.

Có người nói, “VietNamNet” lúng túng với tiêu chí, định hướng hoạt động; pha lẫn một chút chính trị, một chút “lá cải”, một chút dân sinh và một chút “con buôn”…

Tôi nghĩ khác, VietNamNet (cũng như những tờ báo phải tự hoạch toán thu chi; không được sự bao cấp của ngân sách Nhà nước), phải “được sống” trước khi “sống được”.

15 năm đối với những tờ báo khác không phải là dài, nhưng với VietNamNet, tôi áng rằng, đó là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt, “lột xác” đầy đau đớn.

Gắn bó với Văn phòng VietNamNet phía Nam từ khi còn “gầy dựng” tên tuổi, quả thực, tôi rất khó khăn khi phải “dứt áo ra đi”. Nói văn vẻ một chút, VietNamNet là “mối tình đầu” của tôi (“Tình đầu” thường “dai”, và “dại”?).

Đã có thời, VietNamNet là “Tờ báo điện tử số 1 Việt Nam” nhưng nay đã bị “tiếm ngôi” và sẽ rất vất vả trước xu hướng dùng chiêu thức “Hấp tinh đại pháp” (lấy của người thành của mình) của một số website, báo điện tử.

Quá khứ nên được “đóng băng” để sống với hiện tại và nhìn về tương lai.

Nhưng điều tôi cảm thấy tiếc cho bản thân và một số anh em phóng viên VietNamNet là phải tự mày mò “học nghề”; ít có cơ hội được đào tạo và tái đào tạo.

Tuy vậy, chúng tôi may mắn được làm việc với những người làm báo lão luyện tại TP.HCM như anh: Lưu Vĩ Lân, Mạc Hồng Kỳ, Đông Quân, Thẩm Tuyên, Trương Quang Vĩnh, Bùi Văn…; chị Thu Ba, Thúy Anh, Bảo Phùng, Quỳnh Chi…

Sự tồn tại và phát triển của Văn phòng VietNamNet phía Nam không thể không nói đến sự đóng góp của các anh, chị này.

Với kinh nghiệm 15 năm làm báo online, tôi tin rằng, những người lãnh đạo trẻ, tâm huyết ở VietNamNet thừa sức tập hợp tinh hoa, kinh nghiệm để đào luyện những phóng viên đa phương tiện tốt nhất.

Tôi tin tình trạng “Ngủ yên trong vinh quang” sẽ không được lặp lại.

Và tôi cũng tin “con tim sẽ vui trở lại”…

Riêng tôi, với VietNamNet, dù không là “người yêu”, chúng ta mãi là “những người anh em”, nhé! Cố nhân!

Trần Duy