Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đề xuất làm hồ sơ công nhận lễ hội yến sào là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia, xây dựng bảo tàng để tôn vinh nghề yến sào.
Nghề yến sào ở Khánh Hòa có truyền thống văn hóa hàng trăm năm, với nhiều giá trị riêng biệt. Hàng năm, những người làm nghề yến vẫn làm lễ giỗ Tổ nghề vào ngày 10-5 (âm lịch) tại Đền thờ Bà chúa đảo Yến ở Hòn Nội. Những năm gần đây, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức lễ hội yến sào với quy mô ngày càng lớn hơn. Nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức để làm sáng tỏ lịch sử, văn hóa nghề yến sào ở Khánh Hòa. Mới đây, tại hội thảo về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, nghề yến sào có giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và đề xuất cần đẩy mạnh các hoạt động tôn vinh nghề yến sào.
Tượng Bà chúa đảo Yến tại đảo Hòn Nội |
Theo đó, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam đề nghị Khánh Hòa xây dựng hồ sơ, đề xuất Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận lễ hội yến sào là DSVH phi vật thể quốc gia. Đồng quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, lễ hội yến sào Khánh Hòa được tổ chức tại Đền thờ Bà chúa đảo Yến ở Hòn Nội có rất nhiều giá trị văn hóa lịch sử, được cộng đồng những người làm nghề yến gìn giữ suốt hàng trăm năm. Nghề yến sào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho tỉnh Khánh Hòa, chính vì vậy, lễ hội truyền thống của yến sào cần được tôn vinh, giữ gìn, phát huy cho muôn đời sau. Ông Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, tới đây, công ty sẽ làm việc với Sở VH-TT-DL để làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận lễ hội yến sào là DSVH phi vật thể quốc gia.
Cũng tại hội thảo trên, PGS.TS Đặng Văn Bài và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đề xuất xây dựng bảo tàng nghề yến sào. “Sản phẩm yến sào Khánh Hòa nổi tiếng trong, ngoài nước, có lịch sử ngành nghề lâu năm, không phải ai cũng có điều kiện để tham quan các đảo yến, dự lễ hội truyền thống... Vì thế, công ty cần xây dựng bảo tàng nghề yến”, ông Bài nói.
Liên quan đến điều này, ông Lê Hữu Hoàng chia sẻ, ý tưởng xây dựng bảo tàng nghề yến đã được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã có những bước chuẩn bị. Hiện tại, công ty đang chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng “Công viên văn hóa yến sào” (đã được Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh phê duyệt) ở phía bắc cầu Trần Phú, TP. Nha Trang. Dự án công viên yến sào sẽ có những hạng mục chính: bảo tàng nghề yến, hội quán biểu diễn các màn sân khấu hóa giới thiệu lịch sử nghề yến, hang yến nhân tạo theo mô hình hang yến ở đảo Hòn Ngoại (có yến sinh sống và làm tổ) để phục vụ khách du lịch tham quan... Để chuẩn bị cho việc xây dựng bảo tàng nghề yến, công ty đã gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp hiện vật, tư liệu. “Bước đầu, công ty đã nhận được một số hiện vật, hình ảnh lịch sử về nghề yến sào như: sào chĩa (dụng cụ thu hoạch tổ yến) có tuổi đời cả trăm năm, thuyền gỗ các gia đình làm nghề yến sử dụng trước đây. Sắp tới đây, công ty sẽ tiếp nhận thêm một số hiện vật về nghề yến từ Quảng Nam, Bình Định chuyển về...”, ông Hoàng cho biết. Ngoài ra, công ty cũng đang có ý tưởng xây dựng tượng đài chim yến, đền thờ Thánh mẫu tại các đảo yến.
Việc nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng đề xuất việc lập bảo tàng nghề yến sào, công nhận lễ hội yến sào Khánh Hòa là DSVH phi vật thể quốc gia đã phần nào khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của nghề yến sào. “Việc xây dựng bảo tàng nghề yến sào, tượng đài chim yến... để tôn vinh nghề yến sào không những khẳng định truyền thống của ngành nghề mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, góp phần gia tăng giá trị của yến sào Việt Nam nói chung, yến sào Khánh Hòa nói riêng”, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.
(Theo báo Khánh Hòa)