TP.Tây Ninh nằm ở vị trí “vàng” của tỉnh Tây Ninh, cách TP.Hồ Chí Minh 99km theo quốc lộ 22, cách cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài 30km (tỉnh lộ 786) và cách cửa khẩu Quốc tế Xa Mát 40km (quốc lộ 22B).
Nơi đây có đầy đủ lợi thế vượt trội phát triển về kinh tế, thu hút đầu tư so với các huyện khác, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch giữa các tỉnh lân cận đồng thời còn có vị trí chiến lược trong an ninh quốc phòng.
Từ hơn 10 năm trước, thành phố đã được định hướng phát triển là đô thị kinh tế - sinh thái (ECo City) theo quy hoạch chung thành phố năm 2013, hiện nay định hướng xây dựng “đô thị xanh” vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển.
Thêm vào đó, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hướng tới mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thông minh, sinh thái và đáng sống.
Cụ thể, thành phố quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự chủ động vào cuộc và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; thành phố đã tích cực triển khai và áp dụng thực hiện các ứng dụng, tiện ích như: Tây Ninh Smart, Hệ thống hỏi đáp trực tuyến, Hệ thống phản ánh hiện trường, Hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông, Hệ thống họp không giấy, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống Văn phòng EGov, Cổng dịch vụ công quốc gia…
Thành phố cũng áp dụng 2 sáng kiến trong việc thực hiện chuyển đổi số gồm: “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố Tây Ninh” và “Ứng dụng Zalo Official Account trong đăng ký tài khoản dịch vụ công, tra cứu thủ tục hành chính và nộp hồ sơ trực tuyến”.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn như: Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành IOC (đang trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt); đầu tư hệ thống camera an ninh và giám sát giao thông trên toàn tỉnh; triển khai mini app Tây Ninh Smart trên Zalo đến người dân, doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06 và cấp căn cước công dân gắn chip 127.997/128.670 thẻ, đạt 99,48%; đăng ký tài khoản định danh điện tử 56.121/111.534 trường hợp, đạt 50,32%.
Hiện nay, tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước cơ bản có thực hiện chuyển đổi số. 100% công chức có mã định danh mức độ 2, cập nhật đầy đủ thông tin liên quan đến phần mềm quản lý công chức. Thực hiện ứng dụng các phần mềm chuyên ngành để phục vụ trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức như: Phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức; Tư pháp - Hộ tịch; Cung cầu lao động; Một cửa điện tử, Tài chính - Kế toán; Quản lý đất đai; Quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật…
Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chuyển đổi số. Theo thống kê của các đơn vị viễn thông trên địa bàn, tính đến hết năm 2022, thành phố Tây Ninh hiện có 104.657 người dùng Smartphone/tổng dân số 133.805 người, đạt tỷ lệ 78,21%; 100% hộ gia đình có người có điện thoại thông minh (32.336 hộ); 80,36% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang (25.986 hộ). Tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% khu phố, ấp. Đồng thời đã triển khai thử nghiệm hệ thống 5G của Tập đoàn Viettel tại thành phố Tây Ninh.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo bước đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Tây Ninh toàn diện, ổn định và bền vững.