Trung Quốc ngang nhiên yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của giới chức địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò tại 2/3 diện tích Biển Đông.
Tàu TQ hoành hành trên biển. Ảnh: chinadefense
Khi tranh chấp tại vùng biển này chưa hề có dấu hiệu lắng dịu, thì động thái mới
của Trung Quốc lại càng gây ra sự đối đầu lớn giữa Bắc Kinh với các láng giềng.
Được biết lệnh mới có hiệu lực từ 1/1 sau khi chính quyền tỉnh Hải Nam công bố
hồi tháng 11.
Theo đó, mọi tàu cá nước ngoài đi vào khu vực hành chính mới do Hải Nam quản lý - bao trùm khoảng 2/3 diện tích Biển Đông - sẽ phải có sự phê chuẩn từ nhà chức
trách Trung Quốc. Các biện pháp mới được đưa ra ngày 29/11 và công bố vào 3/12
trên báo chí, chúng được coi là một phần trong chính sách thực thi luật ngư
nghiệp Trung Quốc.
Quy định mới nhấn mạnh, bất kỳ tàu nào vi phạm sẽ phải ra khỏi khu vực, tịch thu
phương tiện và đối mặt với số tiền phạt lên tới 82.600 USD. Trong một số trường
hợp, có thể bị tịch thu tàu cá, thuỷ thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung
Quốc.
Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc đưa ra tuyên bố pháp lý rõ ràng áp dụng ở vùng
biển họ có tranh chấp với một số nước Đông Nam Á. Động thái của Trung Quốc đang
đe doạ tự do hàng hải quốc tế khi đòi nỗ lực nắm giữ, kiểm soát vùng biển
được cho là giàu nguồn cá, cũng như trữ lượng dầu khí.
Xâm lấn hàng hải
Tháng trước, Trung Quốc đã gây chấn động tại biển Hoa Đông - nơi họ có tranh
chấp với Nhật và Hàn Quốc khi tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không. Nhật bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, Lầu Năm Góc điều động hai máy bay ném
bom B52. Đầu tháng 12, một tàu tuần dương của Mỹ đã suýt va
chạm với tàu hải quân Trung Quốc tại Biển Đông gần đảo Hải Nam.
Tại Manila ngày 17/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Mỹ muốn tranh chấp
hàng hải trong khu vực được giải quyết một cách hoà bình. “Chúng tôi ủng hộ mạnh
mẽ nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc để nhanh chóng đi tới bộ quy tắc ứng xử - coi
đó là chìa khoá giải quyết các nguy cơ sự cố, hiểu lầm”, ông nói. “Trong tiến
trình đó, chúng tôi nghĩ các bên liên quan cần có trách nhiệm làm rõ tuyên bố
chủ quyền của mình, và tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Về biển Hoa Đông, ông Kerry cho hay, Vùng nhận diện phòng không không nên được
thực thi và cảnh báo Trung Quốc “kiềm chế những hành động đơn phương tương tự
trong khu vực, nhất là ở Biển Đông”.
Trở lại lệnh gọi là “vùng đánh bắt” với 2/3 diện tích Biển Đông. Theo giới phân
tích, đây dường như là một nỗ lực của Trung Quốc để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền
hàng hải trong vùng biển. Nó sẽ khiến tranh chấp trở nên căng thẳng hơn.
“Đây là diễn biến quan trọng nhưng không bất ngờ”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ
John Tkacik nói. Theo ông, quy định mới là một phần chính sách giúp Trung Quốc
thắt chặt kiểm soát trong khu vực. Trước đó, Bắc Kinh đã ra yêu sách chủ quyền
với hầu hết Biển Đông bằng cái gọi là “đường 9 đoạn” bất chấp ranh giới lượn
sát bờ biển nước khác.
“Bắc Kinh đang đẩy mạnh sự mơ hồ trước đây về tính pháp lý của đường 9 đoạn
bằng cách tăng cường “biện pháp cấp tỉnh”, ông nhận định. Tuyên bố Vùng đánh bắt mới
có thể còn là cách buộc các nước Đông Nam Á, Mỹ, Nhật Ban chấp nhận cách xâm lấn
hàng hải của Trung Quốc.
Theo ông Tkacik, các quốc gia Đông Nam Á có thể thách thức quy định mới mà Trung
Quốc đưa ra thông qua Công ước LHQ về Luật biển. “Trung Quốc rõ ràng đang coi
thường Công ước với quy định mới của họ”, ông nói.
Thái An (theo Washingtonfreebeacon)