Cánh đồng rau nhút chưa thu hoạch tại “làng rau nhút” phường Thới An, Quận 12, TP.HCM. |
Trầm mình thâu đêm dưới nước hái rau
Ngày mới của vợ chồng bà Lê Thị Ngọc (57 tuổi, ngụ Quận 12, TP.HCM) bắt đầu từ 3h sáng. Trong lúc bà lúi húi rửa những bó rau vừa hái hôm qua, chồng bà mặc vội chiếc quần chống nước rồi trầm mình xuống ruộng rau nhút xanh rì.
Bà Ngọc kể, toàn bộ khu vực đất trống trong phường Thới An (Quận 12, TP.HCM) này đều được người dân thuê để trồng rau nhút. Hình thành theo kiểu người đi trước chỉ cho người đi sau, dần dần nơi đây trở thành “làng rau nhút”.
Dịp cận Tết, nhu cầu rau xanh tăng cao nên từ khi mặt trời chưa ló rạng, trên những cánh đồng trồng rau nhút đã vang lên tiếng gọi nhau của người làm nghề hái rau thuê. Họ phải thu hoạch rau thật sớm để kịp giao cho thương lái, buổi chợ.
Trên ruộng rau, người nông dân căng dây để cố định, phân rau thành từng luống để tiện việc thu hoạch. |
“Làm thân” với cây rau nhút từ 21 năm trước, bà Ngọc hiểu hết nỗi khổ cực của cái nghề trầm người dưới nước, đầu phơi nắng trời. Bà nói: “Hơn 20 năm trước, tôi và chồng vào đây, làm thuê cho ông chủ đất. Lúc đó, ông ấy cũng trồng rau nhút. Sau này, ông bán đất, chúng tôi mua lại và trồng rau đến tận bây giờ”.
“Nghề này cực lắm, hầu như phải trầm mình trong nước. Mỗi ngày, chúng tôi phải cúi gằm mặt xuống mặt nước, đầu phơi ra giữa cái nắng như đổ lửa. Rau này chỉ tốt khi trời nắng gắt nên chúng tôi hầu như làm việc trong mùa nắng cháy da”, bà kể thêm.
Trước đây, khi lưng chưa còng, bà và chồng vẫn tự thân trầm mình dưới nước cả ngày lẫn đêm để hái rau. Bây giờ, sức không còn, bà phải thuê thêm người chuyên hái rau cho mình. Một trong những “thợ hái” bà ưng ý nhất là anh Tuấn ở gần nhà.
Anh Tuấn là “thợ hái” rau nhút chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Mỗi khi thu hoạch rau, anh phải trầm mình dưới nước cả ngày lẫn đêm. |
Bà Ngọc kể, Tuấn còn trẻ nhưng đã có thâm niên 20 năm trồng rau nhút. Đặc biệt, anh có kỹ thuật hái rau điêu luyện nên trở thành khách hàng của hầu hết những người trồng rau nhút tại khu vực này.
“Hái rau cũng phải có kỹ thuật. Nếu không biết cách, cây rau sẽ hỏng, không phát triển thậm chí thối, chết cây. Tuấn hái vừa nhanh lại vừa nắm tốt kỹ thuật nên chỉ ít ngày sau kỳ thu hoạch, rau lại ra đọt non mơn mởn, chúng tôi có thể hái thêm lần nữa. Tuấn đắt khách đến nỗi, có khi phải ngủ ngoài chòi, trầm mình hái thâu đêm mới kịp giao rau cho người ta”, bà Ngọc nói thêm.
Bà Ngọc thường thuê Tuấn thu hoạch rau cho mình theo luống. Mỗi luống, anh được trả công 40.000 đồng. Và, anh chỉ mất 20 phút để thu hoạch xong một luống rau nhút dài cả vài trăm mét.
Thu hoạch hết luống rau, anh đưa rau lên bờ để những người phụ nữ phân loại, bó lại thành bó. |
Thu nhập ổn định
Trên ruộng trồng rau nhút, người nông dân căng dây cước sát mặt nước tạo thành từng luống rộng khoảng 2m. Các dây nhựa này có nhiệm vụ cố định, không cho rau chìm, trôi, xô lại với nhau. Người “thợ hái” trầm mình dưới nước, đứng giữa các luống rau, dùng tay không để bẻ ngọn rau, thả trôi trên mặt nước.
Vừa hái, người này vừa kéo những ngọn rau vừa thu hoạch đang nổi trên mặt nước về phía sau mình. Hái vào đến bờ, “thợ hái” đưa rau lên vệ đường, nơi có sẵn những người phụ nữ làm nhiệm vụ phân loại, bó lại thành từng bó.
Đứng trên bờ phân loại, bó rau, chị Nguyễn Thị Hoa (38 tuổi, quê Bắc Giang) liên tục đưa mắt nhìn chồng đang trầm mình giữa ruộng mênh mông nước. Chị nói, ở quê khó kiếm được đồng tiền nên vợ chồng chị dắt díu nhau vào đây thuê đất trồng rau nhút. Năm nay là năm thứ 8 chị làm nghề này.
Bà Ngọc (đội nón lá) thuê anh Tuấn hái rau rồi tự mình ngồi phân loại, bó rau trên bờ. |
“Công việc vất vả lắm, trầm mình dưới nước liên tục khiến da tay, chân, người rộp cả lên. Nếu mặc quần chống thấm nước thì nóng kinh khủng lại còn bị phơi dưới nắng nóng. Thế nên, việc hái rau chỉ người đàn ông khỏe mạnh mới làm được. Ở đây, ít có chị, em phụ nữ nào trầm mình hái rau lắm”, chị Hoa nói.
Khẳng định công việc rất vất vả nhưng chị cho biết, nghề trồng rau nhút vẫn mang lại thu nhập ổn định. Trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình chị vẫn lãi trên dưới 9 triệu đồng. Chị nói, do ít vốn nên chị chỉ thuê được một diện tích nhỏ đất ruộng để trồng rau.
Chị Hoa cung cấp rau cho một tiểu thương ngay tại ruộng với giá ưu đãi. |
Thu nhập của gia đình cũng bấp bênh theo giá cả loại rau này trên thị trường. Chị cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá rau sụt giảm thê thảm. Những tháng sau Tết Nguyên đán 2019, rau xanh tốt nhưng thương lái không thu mua.
“Rau này chủ yếu được bán vào các nhà hàng. Nhưng, đợt dịch vừa qua, nhà hàng vắng khách, họ hạn chế mua rau khiến rau ế ẩm. Đến khi tình hình dịch bệnh tạm lắng, giá rau nhích lên thì lại trúng mùa mưa bão. Mưa nhiều khiến rau thối, chết hết cả”, chị Hoa tâm sự.
Bà Ngọc cũng cho biết, người làm nông luôn rơi vào hoàn cảnh được mùa mất giá. Thời điểm này, giá rau đang tăng trở lại. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại đang thất mùa.
Mỗi bó rau như thế này có giá dao động ở mức 40.000 đồng. |
Bà lý giải: “Vừa qua, khí hậu thành phố trở lạnh, rau co lại, không ra đọt nên bây giờ thị trường thiếu rau. Giá đang cao mà chúng tôi không có rau để cung cấp”. Tại ruộng, sau khi thu hoạch, rau sẽ được những phụ nữ phân loại tại chỗ rồi bó thành từng bó khoảng 40 cọng.
Bà Ngọc nói, rau phân thành 2 loại. Loại rau cọng đều, đẹp… sẽ được đưa đến các nhà hàng. Loại còn lại sẽ được người trồng đem ra chợ hoặc bỏ mối cho các sạp bán rau. Giá rau tại ruộng hiện dao động ở mức 40.000 đồng/bó nặng khoảng 3-4kg.
Chi 6 triệu đồng, gia đình Hà Nội có vườn rau xanh mướt
Năm 2014, anh Huỳnh bỏ ra 6 triệu đồng để thiết kế vườn rau trên sân thượng rộng 35m2. Sáu năm sau, gia đình anh có đủ các loại rau ăn trong bốn mùa.
Nguyễn Sơn