Ông Trần Đình Long tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Trịnh Văn Quyết giữ vững ngôi vị đầu bảng. Ông Ngô Chí Dũng ngược dòng thị trường, trong khi ông Dương Công Minh còn nhiều khó khăn.

Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục dồn vào một vài mã, thay vì cả ngàn mã ở vào thời điểm mà quy mô ngày càng tăng mạnh và trở nên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau 7 tháng tăng bùng nổ, phần lớn các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu theo ngành đều đã tăng trưởng ấn tượng và đứng trước các ngưỡng cản khá mạnh. Áp lực chốt lời khiến thị trường chùng lại và sắc đỏ bao trùm.

Tuy nhiên, VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp nhờ vào một loạt các cổ phiếu trụ cột, đầu ngành, có tính dẫn dắt và trọng số tính điểm lớn như: Sabeco (SAB), Faros (ROS) của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Bia Hà Nội (BHN), VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, GAS, PVD…

Ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của mình trên thị trường chứng khoán, ở phương diện túi tiền tính từ các cổ phiếu niêm yết trên sàn. Cổ phiếu ROS của ông Quyết tiếp tục kéo dài chuỗi ngày tăng giá và hiện đã lên tới gần 117 ngàn đồng/cp.

Ông Quyết hiện đang sở hữu hơn 318 triệu cổ phần ROS do vậy tổng tài sản của tỷ phú này tiếp tục phình nở, đạt trên 38 ngàn tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD).

Một điều đáng chú ý là ROS của ông Trịnh Văn Quyết luôn có tính thanh khoản rất cao và góp phần rất lớn vào thanh khoản chung trên thị trường. Chỉ tính riêng trong phiên 6/9, giá trị giao dịch của ROS đã chiếm gần 20% thanh khoản trên thị trường. Còn tính từ đầu năm tới nay, ROS chiếm trung bình khoảng gần 13%, áp đảo cả ngàn mã cổ phiếu khác.

Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây sôi động một phần rất lớn nhờ vào thanh khoản bùng nổ của cặp cổ phiếu ROS và FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

{keywords}
Nhiều doanh nhân giàu chưa từng có nhờ cổ phiếu tăng giá mạnh.

Cho dù mới lên sàn khoảng một năm qua nhưng ROS đã lập rất nhiều kỷ lục. Nhờ thanh khoản cao, cổ phiếu này đã được đưa vào rổ cổ phiếu của các quỹ đầu tư và nhóm tính chỉ số như: FTSE Vietnam ETF, V.N.M ETF, VN30 và MSCI Frontier Markets Index.

Xây dựng ROS hưởng lợi từ một thị trường bất động sản vẫn đang ở thời kỳ sôi động và là doanh nghiệp xây dựng toàn bộ các dự án của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Từ đầu năm tới nay, ROS được khối ngoại mua ròng hơn ngàn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng như cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long.

Cổ phiếu HPG tăng phiên thứ 11 liên tiếp và lên mức giá (đã điều chỉnh) cao kỷ lục mọi thời đại mới: 36 ngàn đồng/cp. Ông Trần Đình Long lại ghi nhận một kỷ lục giàu có mới với túi tiền khoảng 600 triệu USD.

Ông Trần Đình Long hiện đang ở vị trí số 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán và có đang hướng tới giành lại vị trí số 3 từ bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VietJet Air).

Nhóm cổ phiếu thép được hưởng lợi lớn từ một thị trường bất động sản sôi động và những diễn biến giá thép cán nóng tăng sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu chùng lại sau một thời gian tăng cũng khá nhanh theo kết quả và triển vọng kinh doanh của nhóm này trong bối cảnh nợ xấu giảm và tăng trưởng tín dụng cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.

Cổ phiếu VPB của Ngân hàng VPBank nhà ông Ngô Chí Dũng ngược dòng vượt lên trên với một mức tăng giá khá mạnh. Cổ phiếu này đang lấy lại mức giá tham chiếu chào sàn gần đây: 39 ngàn đồng/cp. Ông Ngô Chí Dũng hiện có túi tiền gần 2,7 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả những người liên quan, số cổ phiếu nhà ông Dũng trị giá khoảng 300 triệu USD. Ông Dũng đang hướng tới top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Trong khi đó, cổ phiếu Sacombank (STB) của tân chủ tịch Dương Công Minh vẫn gặp khá nhiều khó khăn và chưa thể vượt lên ngưỡng 12 ngàn đồng.

Sacombank vẫn đang trong quá trình kiện toàn lại bộ máy nhân sự sau khi ông Dương Công Minh lên nắm quyền để xử lý khối nợ xấu khổng lồ để lại từ thời ông Trầm Bê. Ngân hàng này vừa thông báo hoán đổi vị trí của Trưởng ban kiểm toán nội bộ và Phó Tổng giám đốc. Ngoài ra, ngân hàng cũng tuyển dụng thêm 1 nữ Phó Tổng giám đốc.

Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận sự khởi sắc từ nhóm cổ phiếu bia: Sabeco (SAB) và Habeco (HNX) sau khi nhà nước có kế hoạch thoái vốn. Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên đang chững lại ở đỉnh cao và xoay quanh 150 ngàn đồng/cp, trước mốc 154 ngàn - mức giá mà theo Reuters chính phủ Việt Nam muốn bán vốn.

Cổ phiếu VIC của ông Phạm Nhật Vượng chững giá nhưng doanh nhân này vẫn đang ở thời kỳ giàu chưa từng có. FPT của ông Trương Gia Bình cũng chứng lại. FPT Retail của FPT đang chốt danh sách lấy ý kiến niêm yết tại HOSE.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên và nước ngoài đánh giá chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhất châu Á. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vào thời điểm hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt (có tính dẫn dắt thị trường) đang ở mức cao kỷ lục có thể khiến thị trường điều chỉnh.

Sắc đỏ bao trùm trên thị trường trong vài phiên gần đây và diễn biến giằng co của chỉ số trong phiên tiếp tục cho thấy áp lực chốt lời đang gia tăng đáng kể. Nhiều khả năng thị trường sẽ sớm bước vào nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 6/9, VN-index tăng 1,94 điểm lên 793,55 điểm; HNX-Index tăng 0,12 điểm lên 104,5 điểm. Upcom-Index giảm 0,15 điểm xuống 54,28 điểm. Thanh khoản đạt gần 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú